EVN: Tăng giá điện nhằm giảm bớt áp lực đầu tư cho ngành điện

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, mục tiêu của chính sách tăng giá điện là để người tiêu dùng có ý thức tiết kiệm điện và giảm bớt áp lực đầu tư cho ngành điện trong thời gian tới.
EVN: Tăng giá điện nhằm giảm bớt áp lực đầu tư cho ngành điện ảnh 1Nhập mô tả cho ảnh

Ngày 12/3, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2256/QĐ-BCT Quy định về giá bán điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện.

Như vậy, căn cứ theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tính toán giá điện dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đầu vào sản xuất điện.

Các chi phí đã được cập nhật từ lần điều chỉnh tăng giá gần nhất (ngày 1/8/2013) đến thời điểm xây dựng phương án giá điện mới (ngày 31/1).

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN xung quanh “câu chuyện” tăng giá điện này.

- Xin ông cho biết những điểm mới trong việc tăng giá điện lần này?

Ông Đinh Quang Tri: Bộ Công Thương vừa có quyết định điều chỉnh giá điện từ ngày 16/3 tới với mức tăng bình quân là 7,5%. Từ mức bình quân 1.508,85 đồng/kWh lên 1.622 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Tuy nhiên, trong cơ cấu biểu giá điện lần này, tốc độ tăng không phải là 7,5% áp dụng cho tất cả đối tượng khách hàng sử dụng điện mà đối với hộ tiêu dùng dưới 100kWh/tháng thì mức tăng thấp hơn 7,5% (khoảng 7%). Với những hộ dùng nhiều hơn 100kWh/tháng thì tốc độ tăng cao hơn 7,5%.

Tôi cho rằng, mục tiêu của chính sách này là để người tiêu dùng có ý thức tiết kiệm điện và giảm bớt áp lực đầu tư cho ngành điện trong thời gian tới.

Trong khi đó, mức độ tăng trung bình của giá điện đối với sản xuất lại cao hơn mức 7,5%, bởi giá điện cho sản xuất đang thấp và Chính phủ cũng muốn nâng dần giá điện cho sản xuất để các hộ tiêu thụ có ý thức trong việc đầu tư các dây chuyền công nghệ tiết kiệm điện, từ đó giảm áp lực đầu tư của EVN cũng như tiết kiệm nguồn nhiên liệu như than, dầu khí khi sản xuất điện.

- Dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề EVN có nhiều khoản đầu tư trong và ngoài ngành. Vậy theo ông, việc tăng giá điện lần này có bù lỗ cho những khoản đầu tư ngoài ngành mà EVN đã gặp rủi ro những năm vừa qua hay không?

 

Ông Đinh Quang Tri: Trước tiên tôi phải khẳng định là EVN đang trong lộ trình thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành và đến nay đã được khoảng 60% tổng vốn đầu tư ngoài ngành là 2.000 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ lập kế hoạch để thoái nốt.

Đến thời điểm này, tất cả các công ty đầu tư ngoài ngành của EVN đều hoạt động có lãi chứ không lỗ cho nên không có chuyện tăng giá điện để bù lỗ cho các khoản đầu tư ngoài ngành của EVN.

Thứ hai, với việc sản xuất kinh doanh điện hiện nay, EVN đang nắm giữ sản xuất các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, YaLy, Trị An, Tuyên Quang.

Trên thực tế, giá thành của các nhà máy thuộc EVN rất thấp. Cụ thể, Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Trị An và Tuyên Quang giá thành từ 300-500 đồng/kWh.

Trong kế hoạch sản xuất năm 2015, các nhà máy của EVN sản xuất 27 tỷ kWh. Trong khi đó, tổng sản lượng điện mua và điện sản xuất của toàn hệ thống điện Quốc gia là 161 tỷ kWh.

Như vậy, phần sản lượng của EVN chỉ chiếm 17% tổng sản lượng điện sản xuất và điện mua của toàn hệ thống. Còn lại, EVN phải mua của các đối tác theo các hợp đồng mua bán điện khoảng 83% sản lượng.

Sản lượng này chúng tôi ký hợp đồng với từng nhà máy một, từng công ty một, kể các công ty tư nhân và các công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên. Theo đó, EVN phải trả tiền cho các nhà máy này theo hợp đồng. Các hợp đồng mua bán điện này phải đàm phán trên cơ sở chi phí của từng nhà máy và theo hướng dẫn của Thông tư số 41 /2010/TT-BCT ngày 14/12/2010 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành khung giá phát điện và phê duyệt hợp đồng mua bán điện và bây giờ là Thông tư 56 /2014/TT-BCT ngày 19/12/2014 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện và Thông tư số 57/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện.

Thông tư 56 có hiệu lực từ ngày 3/2 vừa qua thay thế Thông tư 41 phản ánh đúng biến động của từng thành phần chi phí nhiên liệu, gồm biến động theo chi phí nhiên liệu chính (than, khí), biến động theo chi phí nhiên liệu phụ (dầu) và biến động theo chi phí khác…

Đối với nhà máy nhiệt điện thì giá điện sẽ biến động theo giá nhiên liệu. Nếu giá than, giá khí, giá dầu tăng thì ngay tháng sau chúng tôi phải trả tiền cho bên bán điện theo giá tăng.

Mặc dù giá bán lẻ điện không tăng nhưng EVN vẫn bỏ tiền ra để trả đầy đủ cho các nhà máy điện vì nếu không bên bán điện sẽ không có tiền để phát điện tiếp và những tháng sau EVN sẽ không thể mua điện được.

- Giá điện tăng thì đã rõ nhưng dư luận vẫn quan tâm đến việc minh bạch trong thị trường điện và mua bán điện của EVN. Vậy ông lý giải về vấn đề này như thế nào?

Ông Đinh Quang Tri: Thực tế, sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp từ Thông tư 56 và 57 của Bộ Công Thương đáp ứng được yêu cầu thực tế phát triển của ngành điện Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đảm bảo công bằng, minh bạch giữa bên mua và bên bán đồng thời ban hành khung giá phát điện làm cơ sở cho các bên tham chiếu khi tính toán và đàm phán giá hợp đồng mua bán điện.

Từng hợp đồng mua bán điện chúng tôi phải trình Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực phê chuẩn sau khi đã đàm phán xong. Tôi cho rằng việc thị trường điện, hay mua bán điện của EVN hiện nay rất minh bạch và rõ ràng.

Hàng năm, chúng tôi có kiểm toán độc lập vào để kiểm toán toàn bộ chi phí mua điện cũng như chi phí sản xuất của EVN. Đồng thời, theo Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi công bố công khai kết quả giá thành và kết quả sản xuất kinh doanh điện hàng năm.

Tôi cho rằng càng ngày giá điện càng rõ ràng và minh bạch hơn. Và nếu như không điều chỉnh giá điện thì trong khi các thông số đầu vào tăng như giá than, giá khí, giá dầu (mặc dù giá dầu có giảm một chút thời gian gần đây nhưng mặt bằng chung thì vẫn là tăng so với từ 1/8/2013) thì tất nhiên EVN phải chi ra một số tiền lớn hơn để mua điện.

Mục tiêu của chúng tôi là làm sao cân bằng được giữa giá mua điện và giá bán điện cho khách hàng. Nếu lỗ chúng tôi sẽ không đủ tiền mua tiếp để bán cho người tiêu dùng. Nguy hiểm nhất là cung cấp điện không ổn định mà cung cấp điện không ổn định thì nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

- Theo Lộ trình Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì Việt Nam đang từng bước triển khai thị trường điện. Vậy đến nay, EVN đã thực hiện lộ trình này ra sao, thưa ông?

 

Ông Đinh Quang Tri: Theo kế hoạch 2015-2017, sẽ thực hiện thị trường bán buôn thí điểm, từ 2017-2019 sẽ thực hiện thị trường bán buôn đầy đủ, 2021-2023 thử nghiệm thị trường bán lẻ cạnh tranh và từ năm 2023 trở đi khách hàng có thể lựa chọn mua điện của bất kỳ công ty nào.

Tuy nhiên, điều khách quan là mạng lưới truyền tải và phân phối thì Nhà nước vẫn độc quyền một cách tự nhiên. Cho nên ở các nước trên thế giới, người ta cho phép các công ty điện lực tự định giá thông qua việc mua điện của các nhà sản xuất điện độc lập và trả phí truyền tải cộng thêm phí phân phối để ra giá bán lẻ. Hàng tháng họ được quyền định giá và Cục Điều tiết điện lực của các nước sẽ kiểm tra hậu kiểm.

Sau khi đơn vị điện lực công bố giá, họ sẽ kiểm tra tính toán của công ty điện lực về giá điện như thế có đúng không. Nếu không đúng, họ sẽ bị phạt hoặc trừ vào giá kỳ tới.

Hệ thống điện đang được cung cấp bởi rất nhiều nhà máy khác nhau với giá thành khác nhau và tại các thời điểm khác nhau thì nhu cầu của hệ thống điện cũng khác nhau. Vậy nên, giá thành sản xuất điện có quan hệ mật thiết với nhu cầu của khách hàng.

Những lúc thời tiết nóng, hệ thống điện thiếu thì bắt buộc các nhà sản xuất điện phải phát dầu, khí với giá thành cao thì đương nhiên giá điện bình quân ở thị trường sẽ cao hơn. Nếu thiếu 1% thì có thể giá cũng lên đến gấp 5-7 lần.


- Giá điện Việt Nam hiện nay được đánh giá tương đối thấp, không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Vậy theo ông, việc tăng giá điện này cũng nhằm mục tiêu tăng khả năng thu hút đầu tư vào ngành điện?

Ông Đinh Quang Tri: Chắc chắn tăng giá điện một phần là để thu hút các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư mới họ nhìn nhà đầu tư cũ có thu nhập thế nào thì mới quyết định đầu tư mới.

Các nhà máy điện đang vận hành mà giá điện quá thấp thì họ không thể nào yên tâm mở rộng sản xuất hay kêu gọi các nhà đầu tư mới vào. Bởi vậy, việc điều chỉnh giá điện từng bước để làm sao bù đắp chi phí của cả 3 khâu: phát điện, truyền tải và phân phối.

Tôi cho rằng việc tiêu dùng điện và sản xuất điện phải rất hài hòa và giá điện phải phản ánh đầy đủ chi phí của người sản xuất điện. Người sản xuất điện ở đây không phải chỉ có một mình EVN mà cả một hệ thống từ nhà máy điện tư nhân, các công ty cổ phần của các công ty của nhà nước, các nhà máy điện BOT, phụ thuộc vào cả hệ thống truyền tải, phân phối và cả vào người tiêu dùng.

Thực ra, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mục tiêu chính của họ là lợi nhuận. Tức là chúng ta phải ký được hợp đồng đảm bảo lợi nhuận cho họ và giá điện phải hợp lý thì họ mới làm.

Hiện nay, hầu hết các nhà máy điện do đầu tư nước ngoài làm thì giá bán điện đều cao hơn so với giá bán điện từ các doanh nghiệp của EVN và nhà máy tư nhân khác.

Thứ hai là trong chuyển đổi ngoại tệ nếu như vấn đề này thuận lợi thì tất nhiên sẽ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vào.

Thông thường các dự án BOT đều yêu cầu có bảo lãnh của Chính phủ đối với việc chuyển đổi ngoại tệ. Việc này cũng sẽ gây khó khăn cho việc bảo lãnh của Chính phủ nếu như các dự án BOT quá nhiều.

Vì vậy nên khuyến khích các nhà đầu tư trong nước hoặc các nhà đầu tư nước ngoài nhưng áp dụng các cơ chế như nhà đầu tư Việt Nam thì đấy là thuận lợi nhất. Mà muốn được như thế thì chúng ta phải thực hiện được cơ chế thị trường, giá điện phải đảm bảo như thị trường thì họ sẽ chịu cả lợi nhuận và rủi ro.

- Xin cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục