TÍNH MỘT CÁCH CHI LI, ĐỂ TUYẾN CÁP TREO 3 DÂY CHÍNH THỨC ĐƯỢC VẬN HÀNH, NHỮNG CHUYÊN GIA, KỸ SƯ VÀ CÔNG NHÂN ĐÃ CÓ HƠN 800 NGÀY ĐÊM LIÊN TỤC ĂN NGỦ VỚI NÚI RỪNG HOÀNG LIÊN. ĐÂY CŨNG LÀ KHOẢNG THỜI GIAN THỬ THÁCH Ý CHÍ VÀ SỨC BỀN GHÊ GỚM NHẤT KHI HẦU HẾT VIỆC VẬN CHUYỂN NGUYÊN VẬT LIỆU XÂY DỰNG, CÁC KẾT CẤU, LINH KIỆN THÉP… ĐỀU CHỈ ĐƯỢC THỰC HIỆN BẰNG SỨC NGƯỜI.

NHỮNG GIẤC NGỦ
CHẬP CHỜN BÓNG TUYẾT

Cuối năm 2013, ngay sau khi giấy phép xây dựng cáp treo Fansipan có hiệu lực, hơn 300 cán bộ, công nhân từ thị trấn Sapa “nhận lệnh hành quân” theo tuyến đường bộ, “rải” đóng ở các độ cao dọc cho tới tận đỉnh núi.

Cùng khoảng thời gian này, Nguyễn Xuân Hậu, chàng kiến trúc sư người Quảng Nam vừa trở về nước từ Australia. Chỉ ít lâu sau, Hậu ngược ra miền Bắc và trúng tuyển vị trí phiên dịch viên cho nhóm chuyên gia nước ngoài đang trực tiếp tham gia tư vấn thi công cáp treo. Theo chân 300 người “tiền nhiệm”, cậu trai Nam Trung Bộ cũng leo bộ vào Hoàng Liên và trở thành một nhân chứng sống xuyên suốt cho giai đoạn khốc liệt nhất trong toàn bộ quá trình hiện thực hóa giấc mơ kéo cáp qua lòng chảo Mường Hoa.

Nhắc tới những ngày đầu tiên, Hậu khẽ nhăn trán: “Đường vào các điểm thi công khi ấy thực sự kinh hoàng. Cây cối thì rậm rạp. Dốc lại dựng đứng. Bản thân em chỉ đi tới dốc Đỏ là bị rớt lại, cứ nằm giữa lưng chừng mà khóc và chỉ muốn bỏ về.”

Nhưng khó khăn không chỉ dừng lại ở đường đi hiểm trở. Chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi Hậu cùng đồng nghiệp vào núi, tuyết bất ngờ rơi trắng cả Sapa. Nhiệt độ trong rừng hạ sâu khiến ngay cả nước uống cũng đóng băng dày từ 1-2cm. Từ sườn Lai Châu, gió Ô Quy Hồ ràn rạt thổi khiến cái rét như cắt da cắt thịt trở nên căm căm hơn. Càng lên cao, tình hình càng trở nên xấu. Tuyết đóng dày khiến cho mặt đá trơn tuột, sẵn sàng vật ngã người đi phía trên. Những gã “người rừng” đã phải nếm trải mùa đông khắc nghiệt bậc nhất mà phải nửa thế kỷ mới có một lần của Tây Bắc.

“Nhiều lúc, có cảm giác mình hít vào chỉ toàn là băng lỏng lạnh buốt,” Hậu nhớ lại.

Như một “cơ duyên”, liên tiếp các năm sau đó, mưa tuyết liên tục rơi. Chỉ tính trong khoảng thời gian hơn 800 ngày thi công, đã có tới 5 lần Hậu và đồng nghiệp được ngủ cùng cảm giác hít toàn băng lỏng lạnh buốt.

Thời tiết lạnh thường xuyên ở mức âm độ khiến cho mọi sinh hoạt trên dọc sống lưng Fansipan trở nên bất thường theo cách… bình thường nhất. Những người như Hậu quen dần với việc cả tuần cố thủ trong mấy lớp áo khoác dày sù sụ, chấp nhận quên luôn… cả thói quen tắm rửa hàng ngày.

“Tắm làm sao nổi hả anh khi nước thì thiếu do suối, khe ở quá xa, mà trời thì cũng quá lạnh? Anh em công nhân đi gùi từng can nước về dùng dần, nhưng chưa kịp đổ ra thì toàn bộ bề mặt đã đông cứng. Sau này bắc được đường ống thì mọi người lại có thêm công việc là gõ ống cho tan băng để nước chảy về mỗi khi trời rét,” Hậu méo xệch khi nhớ lại trải nghiệm khó quên ngày nào.

Thiếu nước khổ một thì thiếu ăn khổ mười. Trong suốt những tháng đầu tiên, toàn bộ thức ăn của cán bộ, công nhân làm việc trong núi đều được thuê dân địa phương gùi vào theo từng đợt. Gặp khi thời tiết xấu, phải mất mấy ngày, đồ tiếp tế mới tới nơi. Đến lúc mở ra, cá khô, thịt lợn đã chảy nước, bốc mùi không sử dụng được.

Tâm, công nhân kéo cáp thuộc nhà thầu Lilama kể lại: Có đợt mưa lớn khiến cho hoạt động cung ứng bằng sức người tạm thời bị cắt đứt. Không điện, không thức ăn, cả đội chỉ còn nhõn vài gói mỳ tôm chia nhau cầm cự. Để có sức tiếp tục làm việc, anh em phải cắt cử nhau tỏa ra, hái rau rừng, thậm chí bắt cả… nòng nọc của ếch núi mà ăn.

“Ngon lắm. Đặc sản của Fansipan đấy anh ạ,” Tâm cười xòa nhẹ bẫng.

Chuyện ăn chín, uống sôi cũng trở thành khái niệm xa xỉ trên đỉnh trời trong những ngày giá rét. Nhiều lúc, dọn được mâm cơm ra, nhìn mọi thứ nguội ngắt, lạnh tanh, đám đàn ông hôi rình lại ngao ngán lắc đầu rồi cố động viên nhau ăn cho qua bữa.

Ăn uống là thế, đến giấc ngủ của họ cũng không… bình thường. Nhà của những người như Tâm, Hậu và hàng trăm công nhân khác trong suốt những ngày đầu chỉ được dựng tạm bằng vài thân trúc uốn cong ghim chặt lên mặt đất. Bạt dứa phủ làm mái, lá cây trải thành giường. Cứ thế, sau ngày làm việc nặng nhọc, cả đám lại mặc nguyên áo quần chui vào bên trong để ngủ.

Cực nhất là những ngày mưa tuyết. Gió Ô Quy Hồ sầm sập chạy từ sườn núi phía Lai Châu cuộn thẳng vào các điểm cao. Không hiếm gặp trường hợp, gió hất tung lều trại, chỉ còn trơ lại nhúm người rúm ró, cố gắng bám chặt vào bất cứ thứ gì quanh mình để không bị thổi bạt đi.

Má A Tông, cậu trai người Mông bản xứ đến giờ vẫn còn rùng mình mỗi lần nhắc về chuyện ngủ trên đỉnh mùa gió chướng. Kèm theo gió còn có mưa đá và tuyết bất thường. Nó phá sập mái lều trúc, quăng ràn rạt vào người nằm phía dưới.Tông bảo: Về sau, khi lần đầu rời Fansipan về nhà, trong giấc mơ đêm, Tông vẫn chập chờn thấy tuyết, băng và gió lạnh…

Sau này, trong hồi ức của mình, Trịnh Văn Hà, một trong những người đầu tiên tham gia mở tuyến xây dựng cáp treo Fansipan đã viết: “Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa rừng thực sự là ác mộng. Mười con người chen chúc trong cái lán ẩm thấp và mưa dột tong tong, nếu ngồi thì tất cả cùng ngồi, nếu nằm tất cả cùng nằm, tất nhiên không thể đứng, lại tự an ủi với nhau bằng những bài hát không đầu không cuối, những câu hỏi về gia đình, người thân mà chẳng thể có câu trả lời. Mưa dài ngày, thức ăn chưa kịp gùi lên, chúng tôi tự cải thiện bằng cách xuống suối bắt ếch. Hôm nào may mắn thì được con chuột rừng. Canh nòng nọc là món khoái khẩu của dân bản xứ, nhưng với chúng tôi là nỗi khiếp sợ. Nhắm mắt húp tý nước, cái mùi tanh tanh lờ lợ ám ảnh đến tận bây giờ”…

Còng lưng
cõng sắt đá lên… trời

Thời tiết khắc nghiệt và đỏng đảnh là thế, nhưng công việc thì vẫn cứ phải làm. Nhiệm vụ của nhóm tiên phong lúc này là phải san gạt mặt bằng, tạo nền móng để chuẩn bị đổ bê tông cốt thép cho 2 nhà ga đi, đến và 4 cột trụ về sau. Do các điểm được chọn để thi công đều nằm sâu trong rừng rậm, đường vào hết sức khó khăn; cộng thêm chủ trương không phá rừng từ phía chủ đầu tư nên mọi phương tiện vận chuyển đều phải đầu hàng vô điều kiện. Phương án khả thi nhất được đưa ra và phê duyệt: Dùng gùi để cõng sắt, đá cùng các vật dụng cần thiết khác vào 6 công trường trải dài từ độ cao 1.200m tới 3.143m. Nguyễn Xuân Hậu, chàng kiến trúc sư trẻ được đào tạo chính quy từ Australia trở về đã từng phải mắt tròn mắt dẹt khi nghe tới cách thức vận chuyển “như thời chiến” ấy. Hậu kể, ngay chính những chuyên gia nước ngoài cũng không có mấy niềm tin rằng việc huy động người “cõng đá” vào rừng sẽ đạt kết quả lạc quan.

Nhưng bất chấp tất cả sự nghi ngại, ngày ngày, từng đoàn người vẫn gò mình gùi cát sỏi, xi măng đu đá, bám cây để vào điểm tập kết. Họ lầm lũi đi, cần mẫn như bầy kiến thợ tha mồi về tổ. Bằng cách thức ấy, trong suốt hơn 1 năm đầu tiên, hàng trăm tấn vật liệu đã có mặt tại 6 đại công trình. Thứ máy móc duy nhất có thể đưa vượt núi sau khi đã tháo rời ra thành từng bộ phận là các máy trộn bê tông cỡ nhỏ.

“Ngày đầu tiên nhận việc, em được giao vác một bao xi măng từ chân núi lên điểm xây T3 [độ cao 1.800m-PV]. Lên đến nơi thì mình cũng kiệt sức,” Má A Tông ở ngay bên cạnh thật thà góp chuyện.

Tập kết đủ vật liệu thì quá trình thi công mới được chính thức bắt đầu. Bằng đôi tay trần, những A Tông xoay trần ra đào, cuốc, san gạt tạo mặt bằng. Công việc bộn bề nhưng tiến độ hết sức ì ạch do thời tiết quá lạnh, cứ làm 15 - 20 phút lại phải chạy vào hơ tay cho bớt cóng rồi mới làm tiếp được. Lúc này, để đảm bảo công trình “chạy” kịp kế hoạch, vấn đề sống còn được đặt ra là cần phải nhanh chóng thiết lập tuyến cáp phụ để tăng tốc độ vận chuyển, đưa được thêm máy móc, thiết bị và vật tư vào cả 6 công trường, đặc biệt là đại công trường trên đỉnh dãy Hoàng Liên Sơn.

Nhưng kéo cáp như thế nào và bằng phương tiện gì? Nhớ lại thời điểm này, ông Phan Tất Thắng (Phó Giám đốc Kỹ thuật – Công ty Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan Sapa) kể lại: “Tính tới khoảng tháng 7/2014, công việc vẫn chưa đảm bảo đúng tiến độ. Lúc này, sức người không thể đảm bảo thành công việc đào hố móng. Chúng tôi buộc phải làm một tuyến cáp công vụ với sức nâng 5 tấn nhằm mang modul lên để đổ bê tông. Tuy nhiên, các cấu kiện của tuyến cáp này cũng rất nặng nên nhà thầu một lần nữa lại chọn cách ‘vác thủ công’ lên dọc tuyến.” Là người thợ kéo hiếm hoi còn sót lại từ nhà thầu Lilama, Tâm lắc đầu nguầy nguậy khi được hỏi về những ngày ăn rừng, ở núi để rải cáp năm nào.

“Gùi đá sỏi vào công trường cực thế nào thì bọn em đi dựng cáp công vụ còn khổ hơn nữa. Đầu tiên, anh em vẫn phải gùi, vác từng cấu kiện sắt thép, có thanh nặng tới hơn 100kg băng qua rừng. Các thanh này về sau sẽ được dựng thành trụ cho cả tuyến cáp bắc qua. Rồi khiêng máy tời, khuân dầu máy. Người ngợm lúc nào cũng sặc lên mùi mỡ.”

Tới tháng 1/2015, thuần túy nhờ vào sức người, tuyến cáp công vụ (LCS) chính thức được vận hành, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của cả đại công trình trên núi Hoàng Liên. Máy phát điện công suất lớn, vật tư, vật liệu, thực phẩm, thiết bị kết nối đường truyền internet... được chuyển lên. Sau nhiều tháng sống trong lều bạt mong manh trên đỉnh Fansipan lộng gió, hàng ngàn công nhân đã chính thức được sống trong các nhà làm từ vật liệu nhẹ. Máy bơm nước được đưa vào sử dụng. Ở trên đỉnh cao nhất, hàng chục tấn bê tông, cốt thép, cốp pha… lũ lượt theo từng chuyến cáp tập kết. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, một mặt sàn với khối lượng gần 3.000m3 bê tông đã được định hình. LCS trở thành một tuyến huyết mạch, quyết định tới 50% thành công của cả dự án.

Nhưng ngay cả khi LCS đã ra đời, những công nhân đỉnh Fansipan vẫn chưa bao giờ rời bỏ được vai “kiến thợ” của mình. Lần lượt, trong các tháng tiếp theo, họ vẫn còn tiếp tục còng lưng trong hành trình kéo điện lên nóc nhà Đông Dương; hành trình vác đá lát lên đỉnh trời. Chỉ tính riêng giai đoạn thi công khu ga đến, hàng trăm công nhân đã xoay trần, đánh vật với hơn 4.200 viên đá nguyên khối, mỗi khối 300kg. Cứ 20 người sẽ khiêng một trụ mà hoàn toàn không có máy móc nào trợ lực. Theo ông Phan Tất Thắng, để thi công các cột trụ và 2 ga đi-đến, có thời điểm hơn 1.500 cán bộ, kỹ sư và công nhân được đồng thời huy động. Trung bình mỗi công trường có khoảng 250 người thường xuyên ngủ rừng, bám núi để làm việc. Lớp lớp những con người ấy, trong suốt hơn 800 ngày dựng cáp đã dùng chính đôi tay và bờ vai của mình để tạo nên những kỷ lục lặng thầm không chính thức. Nhìn họ, chúng tôi chợt nghĩ: Hình như dưới mỗi một mét đường dọc theo tuyến cáp hôm nay đều có ẩn giấu một phần máu, mồ hôi rơi ra từ đội quân kiến thợ ngày nào./.