FAO kêu gọi thúc đẩy sáng kiến tiết kiệm lương thực

FAO kêu gọi chính phủ các nước tích cực thúc đẩy hơn nữa sáng kiến toàn cầu về "Tiết kiệm, giảm tổn thất và lãng phí lương thực."
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và 50 đối tác chủ chốt đã kêu gọi chính phủ các nước, các công ty và các tổ chức lương thực trên thế giới tích cực thúc đẩy hơn nữa sáng kiến toàn cầu về "Tiết kiệm, giảm tổn thất và lãng phí lương thực" trên phạm vi toàn cầu.

Giám đốc phụ trách Cơ sở hạ tầng nông thôn và các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp của FAO, Gavin Wall, nêu rõ rằng trong khi 900 triệu người trên thế giới đang sống cùng khổ, số lương thực bị tổn thất và bị lãng phí trên toàn cầu lên tới 1,3 tỷ tấn mỗi năm, tương đương hơn 1.000 tỷ USD.

1/3 tổng sản lượng lương thực tiêu dùng của con người trên toàn cầu đã bị lãng phí hoặc bị tổn thất cùng với nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên đã được sử dụng để sản xuất số lượng lương thực khổng lồ bị thất thoát đó.

Tổn thất lương thực ở các nước công nghiệp phát triển lên tới 680 tỷ USD và ở các nước đang phát triển vào khoảng 310 tỷ USD.

FAO và các đối tác kêu gọi các đối tác mới thuộc khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế khác thông qua các dây chuyền cung ứng lương thực cùng các kỹ năng đa dạng của họ cùng tham gia sáng kiến "Tiết kiệm, giảm tổn thất và lãng phí lương thực."

Hành động tập thể phối hợp toàn cầu giảm tổn thất và lãng phí lương thực có thể giúp cải thiện cuộc sống con người, đảm bảo an ninh lương thực và giảm đến mức thấp nhất tác động đến môi trường.

FAO nhấn mạnh các kỹ thuật mới, thực tiễn, sự phối hợp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng lương thực là những nhân tố quyết định hiệu quả của các nỗ lực giảm tổn thất và lãng phí lương thực.
 
 Mặc dù tổn thất lương thực xảy ra ở tất cả các giai đoạn của dây chuyền cung ứng lương thực, nhưng nguyên nhân và tác động của nó cũng khác nhau trên toàn cầu.

Lãng phí lương thực bình quân theo đầu người một năm khoảng 95 -115 kg ở châu Âu và Bắc Mỹ so với 6-11 kg ở các nước khu vực Cận Sahara châu Phi.

Ở các nước công nghiệp phát triển, lãng phí lương thực chủ yếu xảy ra ở khâu bán lẻ và ở cấp độ người tiêu dùng do tâm lý "vứt bỏ" khi đã sử dụng một lần hoặc do thời hạn sử dụng được ấn định quá ngắn.

Ở các nước đang phát triển, tổn thất lương thực tác động lớn nhất đến nông dân sản xuất nhỏ. Hơn 65% tổn thất lương thực ở các nước đang phát triển xảy ra ở các khâu sản xuất, thu hoạch và chế biến lương thực./.

Hoàng Anh Tuấn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục