FARC phóng thích binh sỹ chính phủ trước khi đơn phương ngừng bắn

Nhóm FARC phóng thích một binh sỹ chính phủ Colombia, chỉ vài giờ trước khi lệnh ngừng bắn đơn phương do FARC đưa ra có hiệu lực ngày 20/7.
FARC phóng thích binh sỹ chính phủ trước khi đơn phương ngừng bắn ảnh 1Binh sỹ thuộc FARC. (Nguồn: AFP)

Trong một động thái chứng tỏ thiện chí thúc đẩy tiến trình hòa bình, nhóm Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã phóng thích một binh sỹ chính phủ nước này, chỉ vài giờ trước khi lệnh ngừng bắn đơn phương do FARC đưa ra có hiệu lực vào ngày 20/7.

Trong một tuyên bố ngày 19/7 trên tài khoản Twitter, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cho biết Trung úy Cristian Moscoso, người bị các thành viên FARC bắt cóc ngày 7/7 trong một chiến dịch quân sự tại Putumayo, miền Nam Colombia, đã được trả tự do trong điều kiện sức khỏe tốt.

Theo thông báo trước đó, FARC sẽ thực thi lệnh ngừng bắn đơn phương trong 4 tháng, bắt đầu từ ngày 20/7. Đây được coi là quyết định thể hiện mong muốn tiếp tục hòa đàm của nhóm vũ trang này, tạo điều kiện cho việc ký kết thỏa thuận cuối cùng sau khi diễn ra một loạt vụ đối đầu quân sự với chính phủ Colombia.

Đáp lại tuyên bố này, Chính phủ Colombia cũng thông báo sẽ giảm cường độ các cuộc tấn công quân sự chống lại FARC từ ngày 20/7, bước khởi đầu cho khả năng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn song phương.

Trải qua 38 vòng đàm phán tại La Habana (Cuba), cho đến nay, Chính phủ Colombia và FARC đã nhất trí về 3 trong số 5 nội dung chính đã đề ra trong tiến trình hòa đàm.

Hiện hai bên đang thương thuyết về việc bồi thường cho các nạn nhân và xét xử những người có trách nhiệm của FARC. Nội dung thứ 5 được coi là vấn đề nhạy cảm nhất và là rào cản lớn trong tiến trình hòa đàm song phương.

Theo lập trường của chính quyền Tổng thống Santos, nếu như thỏa thuận đạt được, các thành viên FARC liên quan trong cuộc xung đột phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tuy nhiên chính phủ cũng sẽ mềm dẻo hơn trong vấn đề này.

Thành lập năm 1964, FARC được coi là nhóm vũ trang lớn nhất tại Colombia. Theo thống kê, cuộc xung đột nội bộ kéo dài nhất tại Tây Bán cầu này ước tính đã làm khoảng 220.000 người thiệt mạng và khoảng 6,8 triệu người bị ảnh hưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục