FDI nông nghiệp đang "teo tóp"

Một quan chức Bộ kế hoạch và Đầu tư cho rằng khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Việt Nam bị "đe dọa" và ngành nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Một quan chức Bộ kế hoạch và Đầu tư cho rằng khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Việt Nam bị "đe dọa" và ngành nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho biết: Năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng chắc chắn sẽ giảm sút.

Ba năm qua, tốc độ tăng trưởng của dòng vốn đầu tư nước ngoài đã liên tiếp phá vỡ những kỷ lục của 20 năm trước đó. Ông đánh giá thế nào về khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của ngành nông nghiệp?

Ông Nguyễn Xuân Trung: Những năm qua, nguồn vốn FDI đã đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm cho nông dân, góp phần xoá đói giảm nghèo và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, so với hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực khác, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp còn hết sức hạn chế. Sự phân bổ dòng vốn không đồng đều, mới chỉ tập trung vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phía Bắc, trong khi các tỉnh vùng sâu, vùng xa có tỷ trọng rất thấp.

Dù có nhiều ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nhưng chúng ta chưa có một nền kinh tế sản xuất hàng hóa thật sự. Các đối tác nước ngoài tham gia đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp thiếu tính đa dạng, mất cân đối. Chúng ta vẫn chưa tích tụ được ruộng đất để sản xuất nông nghiệp nên ngoài một số dự án sản xuất giống cây, con, chế biến thức ăn gia súc và nông sản. Nhìn chung các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp đều triển khai chậm, tỷ lệ giải thể cao.

Những hạn chế đó khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn những năm gần đây càng có xu hướng giảm sút, tỷ trọng FDI thấp. Năm 2006, vốn FDI chiếm khoảng 6% tổng vốn đăng ký đầu tư, năm 2007 là 5,24%, nhưng đến tháng 11/2008 chỉ đạt 3,3%.

Sức hấp dẫn đầu tư vào nông nghiệp thấp, nhưng 3,3% là con số quá nhỏ nhoi. Vậy, nguyên nhân bắt nguồn từ đâu thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Trung: Ngành nông nghiệp mong muốn có được dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhưng chưa có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài cụ thể, thậm chí còn tồn tại tư tưởng “miễn là có dự án đầu tư, hiệu quả thế nào tính sau” dẫn đến nhiều sự bất cập trong thu hút vốn.

Thực tế, chính sách đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch vùng nguyên liệu… ngành nông nghiệp có quá nhiều “rào cản”. Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư thiếu thống nhất, xúc tiến đầu tư dàn trải, chưa chú trọng vào các đối tác, các dự án quan trọng. Sản xuất nông nghiệp diễn ra ở vùng nông thôn, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên tính rủi ro cao, tỷ suất lợi nhuận thấp, các ngân hàng vẫn e ngại trong việc cho vay tín dụng.

Chất lượng lao động nông nghiệp thấp, trình độ quản lý cũng như khả năng tiếp thu vận dụng tiến bộ kỹ thuật còn yếu. Vì vậy, để sử dụng được nguồn nhân lực, các nhà đầu tư buộc phải mất thêm khoản phí đào tạo, thuê chuyên gia chuyển giao công nghệ cho người lao động. Việc sản xuất manh mún nhỏ lẻ, mô hình liên kết ba nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) yếu đã làm nản lòng các nhà đầu tư. Đó là chưa kể đến việc thiếu điện phục vụ sản xuất, hệ thống giao thông khó khăn, đẩy phí vận chuyển nguyên vật liệu nông sản hàng hóa lên cao.

Những vấn đề trên không chỉ lý giải nguyên nhân dẫn đến kết quả thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp thấp, mà còn giải thích về việc đổ bể của một số dự án trong lĩnh vực này.

Vậy theo ông, cần làm gì để nhà đầu tư “mặn mà” với nông nghiệp?

Ông Nguyễn Xuân Trung: Việc dự bảo giảm sút nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và lạm phát trong nước. Điều đó không có nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam làm việc kém đi hay do môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta xấu đi.

Đến nay, chúng ta chưa nhận được tín hiệu nào từ các nhà đầu tư FDI xin rút dự án do khủng hoảng. Tôi tin rằng, các giải pháp được chính phủ đưa ra trong thời gian qua sẽ có những tác động tích cực đến thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng.

Tuy nhiên, trong năm 2009, ngành nông nghiệp cần sớm thống nhất quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển ngành, hoàn thiện cơ chế chính sách về khuyến khích đầu tư nước ngoài (mở rộng ưu đãi thuế, tín dụng, thực hiện cam kết WTO về trợ cấp; vận dụng tối đa quy định được WTO cho phép để tiếp tục áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án đầu tư trong nông nghiệp); đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng…

Có như vậy, mới mong giải ngân đạt bằng và khá hơn năm 2008./.
 


Hải Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục