Fed bất ngờ tuyên bố giữ nguyên chương trình QE

Fed tuyên bố giữ nguyên chương trình QE, trái ngược với nhận định trước đó về khả năng Fed sẽ rút lại QE khi kinh tế Mỹ bắt đầu khởi sắc.
Vào lúc 1 giờ sáng 19/9 (theo giờ Việt Nam), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bất ngờ tuyên bố sẽ giữ nguyên quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE), trái ngược với nhận định trước đó của giới chuyên gia về khả năng Fed quyết định rút lại QE trong bối cảnh kinh tế Mỹ đã bắt đầu khởi sắc.

Phát biểu sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Ben Bernanke nói rằng Fed sẽ xem xét đưa ra quyết định có cắt giảm chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng hay không vào cuối năm nay.

Ông Ben Bernanke nói : “Chúng tôi có thể sẽ hành động vào cuối năm nay nếu kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và các nhà hoạch định chính sách của Fed tin chắc hơn và các nhận định của họ.”

Cùng ngày, Fed cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2013 và 2014. Theo nhận định của Fed, nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng trong khoảng từ 2-2.3 trong năm 2013 giảm nhẹ so với mức dự báo từ 2.3- 2.6%. Năm 2014, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội - GDP được dự báo sẽ giảm từ mức 3.0-3.5% xuống còn 2.9-3.1% .

Ngay sau khi Fed công bố kế hoạch nêu trên, thị trường chứng khoán Mỹ đã có phản ứng tích cực khi các chỉ số chứng khoán chính trên sàn giao dịch chứng khoán New York đều đồng loạt tăng điểm lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Chỉ số Dow Jones tăng 147,21 điểm - tức 0,95% lên 15.676,94 điểm - cao hơn 18 điểm so với mức kỉ lục ngày 2/8/2013.

Chỉ số S&P 500 tăng vọt 20,76 điểm - tức 1.22% lên mức 1.725,52 điểm. chỉ số công nghiệp Nasdaq tăng 37,94 điểm - tức 1,01% lên 3.783,64 điểm. Tất cả 3 chỉ số này đều biến động ở mức thấp trước khi Fed ra quyết định cuối cùng hồi sáng nay.

Theo các chuyên gia, Fed đã quyết định không cắt giảm rút QE bởi một số lý do như sau: Thứ nhất, kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng hồi phục yếu ớt, tỉ lệ tham gia lao động lại rơi xuống mức thấp nhất trong 35 năm, chỉ còn 63,2%, đồng nghĩa với việc hơn 7 triệu người ở độ tuổi lao động ở Mỹ không tìm kiếm được việc làm.

Nếu Fed rút QE quá nhanh sẽ khiến lãi suất trên thị trường tăng mạnh, giáng đòn nặng nề vào hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng của người dân, càng gây sức ép lớn hơn đối với vấn đề việc làm, gây cản trở sự phục hồi của kinh tế Mỹ.

Thứ hai, nếu Fed rút QE, dòng tiền sẽ phải quay trở về Mỹ, ảnh hưởng nặng nề tới nhiều nước, đặc biệt là các nước thị trường mới nổi, thu hẹp xuất khuẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.

Thứ ba, trong bối cảnh uy tín của ông Obama giảm mạnh, bất cứ hành động nào làm tổn thương tới kinh tế đều sẽ khiến vấn đề trầm trọng hơn.

Vì thế, với những dấu hiệu hồi phục chậm chạp hiện nay, theo hãng quản lý và tư vấn tài chính hàng đầu thế giới Merrill Lynch, sớm nhất là vào tháng 12/2013, Fed mới bắt đầu cắt giảm gói nới lỏng định lượng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục