Fed tiếp tục thận trọng chưa tăng lãi suất các khoản vay nóng

Fed ngày 8/7 xác nhận tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản do lo ngại việc thay đổi chính sách tiền tệ có thể gây khó khăn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Fed tiếp tục thận trọng chưa tăng lãi suất các khoản vay nóng ảnh 1Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ ở Washington, DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các quan chức Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 8/7 xác nhận tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản gần như bằng 0 áp dụng suốt từ tháng 12/2008 do lo ngại việc thay đổi chính sách tiền tệ có thể gây khó khăn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo báo cáo của Fed công bố ngày 8/7, trong cuộc họp thường kỳ ngày 16-17/6 vừa qua của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), giới chức Fed đã tỏ ra thận trọng khi quyết định chưa nâng tỷ lệ lãi suất các khoản vay nóng giữa các ngân hàng thương mại trong bối cảnh kinh tế Mỹ lại xuất hiện các dấu hiệu tiêu cực, trong đó có giá dầu giảm, cùng với kinh tế một số nước, điển hình là Trung Quốc và cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp, vẫn tạo ra nhiều mối lo.

Báo cáo cho biết phần lớn các quan chức Fed cho rằng để tăng lãi suất cần phải có thêm nhiều thông tin chứng tỏ tăng trưởng kinh tế thực sự vững chắc, thị trường lao động tiếp tục được cải thiện cũng như lạm phát đang có xu hướng trở về mức mục tiêu 2%.

Hầu hết các nhà hoạch định chính sách cũng bày tỏ lo ngại việc điều chỉnh lãi suất quá sớm có thể gây phương hại đến đà phục hồi "khiêm tốn" và "chưa đồng đều" của nền kinh tế Mỹ sau cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.

Trước đó, Fed đã để ngỏ khả năng trong năm nay sẽ lần đầu tiên điều chỉnh lãi suất cơ bản gần như bằng 0 được áp dụng trong suốt 9 năm qua.

Đa số các nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng Fed quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo của FOMC vào tháng 9 này, song một số khác dự đoán động thái này sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc thậm chí sang năm 2016.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều mối rủi ro từ tình hình kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Mỹ như khả năng Hy Lạp rời Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và sức ép từ hệ thống tài chính.

Ngay sau khi báo cáo của Fed được công bố, thị trường chứng khoán New York của Mỹ nhuộm sắc đỏ khi các chỉ số chủ lực đồng loạt giảm điểm mạnh.

Trong phiên giao dịch cuối ngày 8/7 trước khi đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn công nghiệp hàng đầu giảm 261,49 điểm, tương đương với 1,47%, xuống mức 17.515,42 điểm.

Chỉ số tổng hợp Standard & Poor 500 "trượt" 34,65 điểm, tương đương 1,66%, chốt phiên ở mức 2.046,69 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng không khá hơn khi giảm 87,7 điểm, tương đương 1,75%, đóng cửa ở mức 4.909,76 điểm.

Các chuyên gia kinh tế nhận định một nguyên nhân khác khiến chứng khoán phố Wall giảm mạnh là do tâm lý lo ngại chứng khoán Trung Quốc tuột dốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này và kinh tế toàn cầu.

Cổ phiếu Trung Quốc đã giảm hơn 30% trong 3 tuần qua và một số nhà đầu tư lo ngại những gì đang diễn ra tại Trung Quốc mang lại nhiều nguy cơ cho kinh tế thế giới hơn cả cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Sự giảm tốc của nền kinh tế thứ hai thế giới có thể tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các công ty kinh doanh nguyên vật liệu và công nghiệp, kéo theo lợi nhuận của họ giảm sút.

Theo ước tính của hãng tin Reuters, lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ được dự báo giảm 3,1% trong quý 2/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục