FIFA vớ bẫm

FIFA vớ bẫm từ bản quyền truyền hình World Cup

FIFA đã chọn công ty ISM làm đại diện để bán bản quyền truyền hình World Cup 2018 và 2022 cho khu vực châu Á, gồm cả Việt Nam.

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) vừa thông báo đã hoàn tất được các gói hợp đồng bản quyền truyền hình có tổng trị giá lên tới 1,85 tỷ USD cho hai vòng chung kết World Cup 2018 và 2022.

Các gói hợp đồng này bao gồm 1,2 tỷ USD bản quyền truyền hình được bán cho các kênh Fox, Telemundo và Futbol de Primera Radio. Ngoài ra, FIFA cũng bán bản quyền cho SBS của Australia, Bell Media của Canada và IMC ở khu vực Caribbean.

Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke cho biết giá trị kinh tế lớn của những gói bản quyền này đã khẳng định vị thế của FIFA cũng như sức hấp dẫn của World Cup.

Theo bình luận của hãng AP thì đây có thể được coi là một chiến thắng của FIFA, trong một năm mà cơ quan quyền lực nhất của thế giới bóng đá đã phải đương đầu với rất nhiều vụ bê bối, từ các cáo buộc liên quan đến cuộc bầu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022, cho tới kỳ bầu cử chức Chủ tịch FIFA.

FIFA đã phải chịu rất nhiều sức ép khi trao quyền đăng cái World Cup 2018 và 2022 lần lượt cho Nga và Qatar hồi tháng 12 năm ngoái. Tiếp đến là vụ Phó Chủ tịch FIFA Bin Hammam cùng Chủ tịch Liên đoàn bóng đá CONCACAF Jack Warner cùng nhiều quan chức khác bị cách chức và cấm hoạt động liên quan tới bóng đá do bị cáo buộc đã “đi đêm” trong kỳ bầu cử chức Chủ tịch FIFA hồi tháng 6/2011.

Hồi tháng Ba thì FIFA đã từng bán được các gói bản quyền trị giá 1,7 tỷ USD cho các đài truyền hình ở Trung Đông và một phần châu Á cùng khu vực Mỹ Latinh. Như vậy, số tiền bản quyền truyền hình World Cup 2014 và 2018 mà FIFA thu được cho đến giờ đã cao hơn 90% so với các gói bản quyền của World Cup 2010-2014, là 2,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, FIFA sẽ còn thu được nhiều hơn nữa bởi cơ quan này vẫn còn chưa bán bản quyền cho phần lớn khu vực châu Á – Thái bình dương, với các thị trường lớn như Trung Quốc hay Việt Nam.

Bao nhiêu cho Việt Nam?

Trong thông báo ngày 27/10, FIFA cho biết đã quyết định chọn công ty Infront Sports and Media (ISM) có trụ sở tại Thụy Sĩ làm đại diện để tiến hành thương lượng bán bản quyền World Cup ở 26 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á.

Điều đáng nói là ISM vốn có quan hệ thân cận với ISL, đối tác marketing đã từng phá sản của FIFA. Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của ISM hiện là Philippe Blatter, cháu trai của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter.

Như vậy, ngay từ bây giờ thì các đài truyền hình ở Việt Nam đã có thể liên hệ với ISM để đàm phán mua bản quyền World Cup 2014 và 2018.

Ở Việt Nam, từ World Cup 2006 tới nay thì bản quyền truyền hình bóng đá luôn là một vấn đề nóng bỏng, nhất là khi có sự tham gia của nhiều đơn vị truyền hình mới ngoài Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Điều đáng bàn là việc các đài truyền hình cạnh tranh nhau đôi khi đã đẩy giá bản quyền truyền hình lên cao quá mức, tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài nâng giá vô tội vạ mà chỉ có người hâm mộ là chịu thiệt (điển hình là vụ bản quyền giải Ngoại hạng Anh).

Một ví dụ nữa là hiện nay, vẫn chưa có đài truyền hình nào mua được bản quyền Euro 2012 do mức giá mà SportFive (S5) - đơn vị đang nắm giữ bản quyền truyền hình Euro 2012 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đưa ra là quá đắt, 5 triệu USD./.

 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục