Fitch giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp ở mức rủi ro cao

Ngày 15/5, Fitch vẫn giữ nguyên xếp hạng tín dụng của Hy Lạp ở mức rủi ro cao "CCC" khi cho rằng nguy cơ vỡ nợ của nước này là "khả năng thực tế."
Fitch giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp ở mức rủi ro cao ảnh 1Người dân Hy Lạp rút tiền từ máy tự động trên đường phố Athens ngày 12/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 15/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vẫn giữ nguyên xếp hạng tín dụng của Hy Lạp ở mức rủi ro cao "CCC" khi cho rằng nguy cơ vỡ nợ của nước này là "khả năng thực tế."

Hồi cuối tháng Ba, Fitch Ratings đã hạ hai bậc xếp hạng tín dụng của Hy Lạp từ mức B xuống CCC.

Kể từ khi Fitch giáng xếp hạng tín dụng của Hy Lạp hồi tháng Ba đến nay, cuộc đàm phán giữa nước này với bộ ba chủ nợ, gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vẫn chưa ngã ngũ, trong khi tình hình tài chính của Chính phủ Hy Lạp ngày càng xấu đi.

Tuy nhiên, Fitch nhận định Hy Lạp có thể sẽ đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ - những đối tác đang đòi hỏi Athens thực hiện một số cải cách để đổi lấy cứu trợ. Fitch dự báo kinh tế Hy Lạp tăng trưởng 0% trong năm nay.

Trong một diễn biến có liên quan, Chính phủ cánh tả ở Hy Lạp do Thủ tướng Alexis Tsipras đứng đầu tuyên bố sẽ không cắt giảm lương và lương hưu trong cuộc đàm phán được dự báo sẽ diễn ra hết sức khó khăn với các chủ nợ.

Ông Tsipras cho biết, hiện hai bên đã thống nhất được với nhau về mục tiêu tài chính, nhưng vẫn bất đồng về các vấn đề lao động và cải cách tiền lương. Ông Tsipras cho rằng một thỏa thuận có thể chấp nhận được phải bao gồm cả các chỉ tiêu thặng dư ngân sách thấp cho giai đoạn 2015-2016, cũng như cơ cấu lại nợ.

Theo giới phân tích, các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với các chủ nợ lâm vào tình trạng bế tắc suốt bốn tháng qua liên quan đến những yêu cầu cải cách từ EU và IMF.

Cho đến nay, Athens kiên quyết không cắt giảm lương và lương hưu, trong khi những chủ nợ này yêu cầu "xứ sở thần thoại" phải tiếp tục theo đuổi chính sách "thắt lưng buộc bụng" nếu muốn nhận được khoản giải ngân cuối cùng 7,2 tỷ euro trong gói cứu trợ tổng thể trị giá 240 tỷ euro.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cảnh báo nước này đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tiền mặt trong hai tuần tới nếu không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ để nhận được khoản giải ngân trên. Dự kiến, Hy Lạp sẽ phải trả nợ 1,5 tỷ euro cho IMF trong tháng Sáu và hơn 6 tỷ euro cho ECB trong tháng 7-8/2015.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Tsipras khẳng định các khoản nợ vẫn an toàn và bác bỏ việc cắt giảm lương và lương hưu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục