Flappy Bird lọt vào danh sách 10 sự kiện Internet của năm

Báo điện tử uy tín ở Nga Lenta.ru đã tiến hành đánh giá 10 sự kiện nổi bật của năm 2014 trong lĩnh vực công nghệ, trong đó trò chơi Flappy Bird đứng vị trí thứ ba.
Flappy Bird lọt vào danh sách 10 sự kiện Internet của năm ảnh 1Flappy Bird có ảnh hưởng mạnh mẽ về tư duy phát triển trò chơi. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 25/12, báo điện tử uy tín ở Nga Lenta.ru công bố bài viết đánh giá 10 sự kiện nổi bật của năm 2014 trong lĩnh vực công nghệ-online, trong đó sự kiện Flappy Bird đứng vị trí thứ ba.

Theo Lenta.ru, sự kiện nổi bật nhất là việc Facebook mua lại WhatApp với giá 22 tỷ USD. Tiếp theo là vụ đánh cắp các bức ảnh nhạy cảm của các nhân vật nổi tiếng từ iCloud.

Flappy Bird đứng ở vị trí thứ ba, Lenta.ru gọi đó là “cú thăng và giáng của Flappy Bird.”

Tờ báo bình luận, Flappy Bird ngay từ đầu đã thu hút người chơi ở mức độ khó “kinh người,” nhưng “điều thú vị là Flappy Bird đã trở thành nổi tiếng toàn cầu ngay sau 'cái chết' ảo của nó.”

Xếp sau Flappy Bird là các sự kiện: Bê bối dịch vụ taxi-online của hãng Uber, Ice Bucket Challenge, kỳ tích của Alibaba, hacker Triều Tiên tấn công mạng hãng Sony…

Trước đó, trang web nối tiếng trong lĩnh vực phát triển trò chơi Gamasutra đã xếp Hà Đông, cha đẻ của Flappy Bird, vào danh sách 10 nhà phát triển trò chơi hàng đầu trong năm 2014. Gamasutra là một trang web ra đời vào năm 1997, tập trung vào mọi khía cạnh trong hoạt động phát triển trò chơi.

Hà Đông lọt vào và đứng thứ 7 trong bảng tổng sắp của Gamasutra, hiển nhiên là nhờ ảnh hưởng của Flappy Bird, nhưng không chỉ có vậy. Theo trang web, cấu trúc trò chơi đơn giản, mang hơi hướng hoài cổ và khó một cách “tàn bạo” đã luôn là các yếu tố gắn liền với cộng đồng phát triển trò chơi độc lập kể từ thuở ban đầu.

Gamasutra đánh giá Flappy Bird giống như một lời nhắc rằng cần phải thay đổi trong tư duy phát triển trò chơi. Nó cũng làm tăng các cuộc trao đổi về nỗi bực dọc và khổ sở khi chơi game khó, cũng như mặt trái của “văn hóa tham gia” (khái niệm chỉ sự chủ động tham gia của người dân vào mọi hoạt động của đời sống xã hội) bên cạnh nhiều vấn đề khác.

Ngoài Gamasutra, Hà Đông còn xuất hiện trong bảng tổng sắp 7 trò chơi trên nền tảng di động và nhà phát triển đáng chú ý nhất năm của trang gamezebo.com.

Theo đó Flappy Bird của Hà Đông đã sánh vai với các trò Super Evil Megacorp, Hipster Whale. Còn bản thân Hà Đông thì đứng ngang hàng với studio Beavl Games đã làm ra trò Kapsula; studio Little Worlds Interactive với trò Counting Kingdom; studio Mi-clos cùng trò Space Disoder và nhà phát triển Vitaliy Zlotskiy, người tạo ra trò Pair Solitaire./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục