Formosa - những giấc mơ thoát nghèo còn dang dở

Bài 5: Formosa - những giấc mơ thoát nghèo còn dang dở

Với nhiều người, Formosa chính là nơi thắp lên hy vọng mong manh thoát nghèo. Nhưng cũng chính Formosa cũng lại chôn vùi giấc mơ nhỏ nhoi của họ.
Bài 5: Formosa - những giấc mơ thoát nghèo còn dang dở ảnh 1Cảnh tượng kinh hoàng đêm 25/3 đã khiến nhiều công nhân cay đắng chia tay giấc mơ ngắn ngủi Formosa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Với nhiều người, Formosa chính là nơi thắp lên hy vọng mong manh thoát nghèo. Nhưng cũng chính Formosa cũng lại chôn vùi giấc mơ nhỏ nhoi của họ. 13 công nhân ra đi, gần 30 người khác vĩnh viễn mang theo thương tật cả về thể chất lẫn tinh thần.

Hàng chục những công nhân khác tận mắt chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đêm 25/3 cũng đã buộc lòng cay đắng chia tay với giấc mơ ngắn ngủi mang tên Formosa.

Đêm kinh hoàng

Thẫn thờ trước bàn thờ người anh trai xấu số, công nhân Nguyễn Văn Thập (sinh năm 1984) vẫn chưa hết bàng hoàng. Thập kể: Đầu tháng 3/2014, hai anh em anh cùng hàng chục thanh niên khác ở xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình hồ hởi khi được nhận vào làm việc tại Formosa. Với họ, đây là cơ hội để thoát khỏi cái đói, cái nghèo hàng ngày vẫn đằng đẵng đeo bám gia đình mình.

Bài 5: Formosa - những giấc mơ thoát nghèo còn dang dở ảnh 2Nhiều người đi làm ở Formosa với niềm tin thoát nghèo, thoát khỏi cái đói dai dẳng bám riết lấy họ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Tính tới khi tai nạn xảy ra, chúng tôi mới làm được khoảng hơn 20 ngày. Thậm chí có người mới bước vào ca thứ hai,” anh Thập kể.

Ngồi ngay bên cạnh, anh Đinh Văn Thế (sinh năm 1984), người trực tiếp chứng kiến toàn bộ sự việc nhớ lại: “Vào khoảng 19 giờ ngày 25/3, anh em ra phân tổ để vào ca làm. Tôi được giao nhiệm vụ thi công dưới đế giàn giáo.”

Lúc này, anh bỗng thấy giàn giáo sạt xuống, rung rinh nhưng không sập hẳn “giống như dư chấn động đất.”

“Khi đó, anh em sợ quá chạy dạt ra hết phía cầu thang nhưng quản đốc công trường người Hàn Quốc và người phiên dịch lại bảo: Không sao, đi vô mà làm tiếp,” Thế nhớ lại.

Ngay sau đó không lâu, toàn bộ hệ thống giàn giáo này đổ sập, vùi chôn vĩnh viễn 13 con người….

Ngay trong đêm 25 rạng sáng 26/3, các anh Nguyễn Văn Thập, Đinh Văn Thế cũng như nhiều người khác hoảng sợ, thu dọn toàn bộ chăn màn, quần áo và các vật dụng cá nhân rời bỏ Formosa, bất chấp tháng lương đầu tiên chưa được trả…

“Giờ mạng người còn như rứa, tiền nong gì cho lại. Anh em chúng tôi không dám quay lại đó nữa, đành ở nhà có gì làm nấy,” anh Thế, tâm sự mà mặt còn tái dại.

Anh Trần Hiếu Thủy (sinh năm 1977) xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), một trong những công nhân thoát chết trong vụ sập giàn giáo cũng khẳng định: Dù thế nào anh cũng sẽ không bao giờ quay lại Vũng Áng nữa. Bởi như anh nói, những gì anh đã chứng kiến đã quá đủ ám ảnh anh suốt đời.

Giấc mơ thoát nghèo hóa ác mộng

Sau sự cố sập giàn giáo, ngoài nỗi đau về thể xác, hàng chục công nhân đã phải gánh theo nỗi đau tinh thần không bao giờ nguôi ngoai.

Nằm trong góc giường bệnh tại bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, anh Phạm Văn Đào (sinh năm 1985) ở Diễn Châu, Nghệ An vẫn không thể tin những gì đã diễn ra vào cái đêm định mệnh ấy. Vốn là bộ đội xuất ngũ, làm ở Formosa 2 năm, anh được công ty tin tưởng giao cho quản lý hàng chục anh em.

Khi giàn giáo sập xuống, trước lúc ngất lịm đi anh vẫn còn nghe thấy những tiếng la hét đầy tuyệt vọng. Tỉnh dậy trong bệnh viện, ngực nhói đau vì hàng tấn thép đè lên, anh gượng hỏi y tá tình hình anh em như thế nào.

Bài 5: Formosa - những giấc mơ thoát nghèo còn dang dở ảnh 3Anh Đào đau xót mỗi khi mường tượng lại hình ảnh giàn giáo sập xuống chôn vùi hàng chục anh em. (Ảnh: TTXVN)

Khi được biết có đến 13 người chết và hàng chục người khác bị thương, anh bàng hoàng thảng thốt: "Không thể tin được anh ạ. Anh em làm việc với nhau, cùng chia sẻ gói xôi bao thuốc mà giờ không còn thấy họ nữa. Đau xót quá!".

Anh cho biết thêm: Hiện anh vẫn còn chưa thể trấn tĩnh lại được sau sự cố khủng khiếp ấy. Hình ảnh đồng nghiệp bị chôn vùi dưới hàng tấn sắt thép cùng những tiếng la hét vẫn khiến người công nhân xứ Nghệ giật mình mỗi đêm.

“Tôi không biết còn có thể tiếp tục về Formosa làm việc nữa hay không,” anh Đào cay đắng nói.

Ngay cạnh đó, anh Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1987) nhà ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đang vật vã vì vết thương trên đầu và ngực luôn nhói lên mỗi khi trở mình. Anh chia sẻ, những ngày nằm viện là những ngày anh phải đối mặt với những cơn đau triền miên về cả thể xác lẫn tinh thần.

Bài 5: Formosa - những giấc mơ thoát nghèo còn dang dở ảnh 4Anh Bình vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc lại vụ sập giàn giáo. Ác mộng này có lẽ sẽ theo anh suốt cuộc đời. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Từ khi vào viện, hầu như không đêm nào em ngủ được. Cứ nhắm mắt là lại hình dung ra gương mặt anh em đã mất,” Bình thành thật.

Tính tới ngày 25/3, Bình đã đi làm tại Formosa được 2 năm. Bản thân anh cũng chứng kiến nhiều tai nạn tại đây nhưng chưa có vụ việc nào ám ảnh và khủng khiếp như vụ sập giàn giáo vừa qua.

Ngày nhập viện, Bình không dám nói với gia đình vì sợ bố mẹ lo. Lúc cả nhà gọi điện, anh vẫn nói dối mình vẫn an toàn, mặc ba má khuyên nên nghỉ việc vì nguy hiểm quá.

"Nghĩ, em cũng sợ lắm nhưng nghỉ việc thì biết làm mô bây giờ anh ơi?”

Nắng vừa chợt tắt, trời chiều ảm đạm đúng như tương lai của người công nhân nghèo xứ Quảng.

Anh Đào, anh Bình chỉ là 2 trong số hàng chục công nhân bị thương và bị chết trong vụ sập giàn giáo ở Formosa. Người thì vẫn chưa ổn định tinh thần, người thì sợ không dám đi làm tiếp, người thì vĩnh viễn chôn vùi cùng giấc mơ đổi đời. Tương lai nào đang chờ họ, liệu những đền bù được cho là "thỏa đáng" của công ty có bù đắp lại được tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần cho họ và gia đình thân nhân? Giấc mơ Formosa liệu sẽ tiếp tục trở thành ác mộng cho hàng chục nghìn công nhân đang ngày đêm lao động?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục