Foxconn tạm dừng hoạt động ở Thâm Quyến sau lệnh phong tỏa

Tại Thâm Quyến, tất cả các doanh nghiệp - ngoại trừ doanh nghiệp được coi là thiết yếu hoặc tham gia cung cấp cho Hong Kong - phải tạm ngừng hoạt động hoặc thực hiện các chính sách làm việc tại nhà.
Foxconn tạm dừng hoạt động ở Thâm Quyến sau lệnh phong tỏa ảnh 1Công nhân tại nhà máy của Foxconn tại Thâm Quyến, Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Foxconn, một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple, đã đình chỉ hoạt động tại Thâm Quyến khi chính phủ Trung Quốc đóng cửa trung tâm công nghệ và một số khu vực khác để ngăn chặn đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất của đất nước trong vòng hai năm qua.

Trong thông cáo báo chí mới nhất, Foxconn nói rằng ngày hoạt động trở lại của nhà máy sẽ được chính quyền địa phương thông báo.

Foxconn có hai cơ sở chính ở Thâm Quyến. Công ty có trụ sở tại vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết thêm họ đã "điều chỉnh" dây chuyền sản xuất sang các địa điểm khác để giảm thiểu tác động có thể xảy ra từ sự gián đoạn. Song Foxconn không nêu chi tiết về các địa điểm này.

Thâm Quyến, có vị trí địa lý gần với Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), là nơi đặt trụ sở của những “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc như Tencent và Huawei.

Tuy nhiên, thành phố này đã bị áp đặt một lệnh phong tỏa kéo dài một tuần bắt đầu từ thứ Hai (14/3), sau khi ghi nhận 66 trường hợp mắc COVID-19 vào thứ Bảy tuần trước (12/3).

Tại Thâm Quyến, tất cả các doanh nghiệp - ngoại trừ những doanh nghiệp được coi là thiết yếu hoặc tham gia cung cấp cho Hong Kong - đã phải tạm ngừng hoạt động hoặc thực hiện các chính sách làm việc tại nhà.

Các phương tiện giao thông công cộng, bao gồm tàu điện ngầm và xe buýt cũng đã bị đình chỉ.

Thâm Quyến cũng là nơi có một trong những cảng container lớn nhất thế giới. Bất kỳ sự gián đoạn nào ở những cảng này đều có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chịu nhiều căng thẳng từ trước.

Vào mùa Hè năm ngoái, cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến đã buộc phải đóng cửa trong gần một tuần sau khi phát hiện các trường hợp công nhân bến tàu mắc COVID-19.

Sự kiện đó gây ra tình trạng tồn đọng hàng hóa lớn, khiến hoạt động thông quan bị kéo dài trong nhiều tháng và đẩy giá cước vận tải toàn cầu tăng đột biến. Tới hiện tại, cảng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

[Trung Quốc phong tỏa thành phố Thâm Quyến để ngăn chặn dịch COVID-19]

Ngoài Thâm Quyến, chính phủ Trung Quốc cũng đã phong tỏa trung tâm công nghiệp của vùng Đông Bắc là thành phố Trường Xuân kể từ ngày11/3, nơi 9 triệu cư dân bị cấm rời khỏi khu vực cư trú của họ.

Thượng Hải, trung tâm kinh doanh tài chính lớn nhất của Trung Quốc cũng phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt sau khi số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến.

Những động thái này diễn ra khi Trung Quốc đang phải "chật vật" ứng phó với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ đợt bùng phát ban đầu ở Vũ Hán vào đầu năm 2020.

Ngày 13/3, nước này đã báo cáo 2.125 trường hợp mắc COVID-19 tại 58 thành phố. Song nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược "Zero-COVID,” ngay cả khi các quốc gia khác mở cửa trở lại và cố gắng sống chung với dịch bệnh.

Việc phong tỏa các thành phố lớn của Trung Quốc sẽ không chỉ tác động đến quá trình phục hồi sau đại dịch của đất nước mà còn có thể giáng một đòn mới vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đầu tháng này, Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào khoảng 5,5% cho cả năm 2022, mục tiêu chính thức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục