FTAP giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường hiệu quả nhất

Bên cạnh việc cung cấp thông tin các cam kết của hiệp định, Bộ Công Thương đang nỗ lực nâng cấp thông tin nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường mà Việt Nam có FTA hiệu quả nhất.
FTAP giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường hiệu quả nhất ảnh 1Cổng Thông tin điện tử về Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam.

Sau gần 9 tháng vận hành thử và đi vào triển khai, Cổng Thông tin điện tử về Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) (https://fta.moit.gov.vn) đã nhận được hàng nghìn câu hỏi của người dân và doanh nghiệp liên quan đến các FTA (Hiệp định Thương mại tự do).

Đặc biệt, không ít buổi tập huấn online FTAP đã thu hút đến trên 2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Chia sẻ về trang thông tin này, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, FTAP cung cấp các nội dung tra cứu các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư; thủ tục cần thực hiện cho hoạt động xuất nhập khẩu, cấp phép; cập nhật kế hoạch hành động, thực thi các FTA của Việt Nam.

Vì thế, với FTAP doanh nghiệp có thể tìm hiểu thông tin về các cam kết trong các hiệp định, nhất là cam kết chi tiết đến từng dòng thuế, quy định cụ thể từng mặt hàng, từ đó tận dụng được cơ hội mà các hiệp định mang lại. 

Theo ông Lương Hoàng Thái, trong bối cảnh dịch COVID-19 không thể tổ chức trực tiếp những hội nghị lớn, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo, tọa đàm cũng như các khóa đào tạo trực tuyến. Do vậy, những hoạt động này đa thu hút hàng nghìn doanh nghiệp tham gia và đặt câu hỏi tại FTAP.

Một trong những cách làm mới, hiệu quả là doanh nghiệp có thể đặt câu hỏi cho các cơ quan quản lý nhà nước ngoài Bộ Công Thương và các chuyên gia ngay tại FTAP.

[Lập Tổ công tác triển khai hiệu quả Cổng thông tin điện tử về các FTA]

Đối với các câu hỏi chuyên sâu hơn của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ chuyển đến các chuyên gia ở lĩnh vực có liên quan, để đáp ứng tốt nhất thắc mắc của doanh nghiệp.

Đây là thông tin hai chiều bởi doanh nghiệp có thể đưa ra ý kiến đề đạt đến được cán bộ quản lý, chuyên gia, và ngược lại chuyên gia có thể giải thích được thông tin, ý kiến cụ thể của các doanh nghiệp.

Bên cạnh việc cung cấp thông tin các cam kết của hiệp định như phổ biến tuyên truyền trước đây, hiện nay, các đơn vị trong Bộ Công Thương đang nỗ lực nâng cấp thông tin ở mức cao hơn, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường mà Việt Nam có FTA hiệu quả nhất.

Chẳng hạn như sản phẩm nông sản cần quy định kiểm dịch động thực vật như thế nào hay hàng công nghiệp có quy định thế nào về quy tắc xuất xứ và làm thế nào để tiếp cận với hệ thống phân phối với sản phẩm cụ thể… Đây đều là những thông tin tương đối chuyên biệt.

FTAP giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường hiệu quả nhất ảnh 2Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 6/7/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Quyết định số 1718/QĐ-BCT phê duyệt Đề án tiếp nhận, vận hành, nâng cấp và phát triển FTAP giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2035.

Trong giai đoạn 2022-2025, FTAP sẽ được tập trung phân tích, xây dựng và đăng tải bộ dữ liệu trong các FTA còn lại mà Việt Nam là thành viên, đặt mục tiêu các doanh nghiệp và người dân có thể truy cập và tìm kiếm thông tin cho tất cả các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Về lộ trình thực hiện, các FTA thế hệ mới và các FTA đa phương mà Việt Nam là thành viên bao gồm các FTA giữa ASEAN và các đối tác sẽ được triển khai trước, sau đó là các FTA song phương mà Việt Nam là thành viên.

Đặc biệt, FTAP cũng sẽ được nâng cấp cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của bộ, ngành khác thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp (LGSP); tích hợp khả năng gọi và kết nối dữ liệu (API) từ trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, phân tích, xây dựng và đăng tải bộ dữ liệu liên quan đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để có tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân có sự so sánh, đánh giá giữa các thỏa thuận thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục