G-14 đặt trọng tâm nối lại Vòng đàm phán Doha

14 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thông qua "Nghị trình toàn cầu", đặt trọng tâm là đối phó khủng hoảng và nối lại Vòng đàm phán Doha.

14 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-14), gồm các nước G-8, G-5 và Ai Cập, trong phiên họp mở rộng ngày 9/7 tại L'Aquila (Italy) đã thông qua "Nghị trình toàn cầu".

Tuyên bố cuối cùng này cũng là một trong những mục tiêu mà Hội nghị Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF) đặt ra nhằm tìm kiếm lập trường chung về chống đói nghèo và biến đổi khí hậu.

"Nghị trình toàn cầu" đưa lên hàng đầu các nhiệm vụ quốc tế đối phó với khủng hoảng kinh tế, giúp đỡ các nước nghèo và nối lại Vòng đàm phán Doha về tự do thương mại. Các nhà lãnh đạo G-14 đã nhất trí bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ và phối hợp hành động để đạt được một thỏa thuận thương mại toàn cầu vào năm 2010. Trong tuyên bố cuối cùng này, các nhà lãnh đạo khẳng định "cam kết duy trì và thúc đẩy các thị trường mở, bác bỏ mọi biện pháp bảo hộ trong thương mại và đầu tư".

G-14 cũng "cam kết tìm kiếm một kết cục tham vọng và cân bằng cho vòng đàm phán phát triển Doha vào năm 2010". Tuyên bố nêu rõ để giải quyết những bất đồng còn tồn tại trong đàm phán càng sớm càng tốt, các nhà lãnh đạo G-14 sẽ chỉ thị cho các bộ trưởng phụ trách thương mại tìm ngay mọi biện pháp có thể để trực tiếp can dự trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo tuyên bố, những biện pháp này cần được đưa ra trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế mới nổi (G-20) vào tháng 9 tới.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, được coi là một trong những thách thức quan trọng nhất của thời đại, các nhà lãnh đạo 14 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thừa nhận lời cảnh báo của các nhà khoa học cần hạn chế nhiệt độ trung bình toàn cầu gia tăng ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp là một "đòi hỏi chính đáng". G-14 cam kết tăng đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các công nghệ thải ít khí CO2 gây ô nhiễm môi trường và dự định tăng gấp đôi khoản đầu tư này tới năm 2015.

Về mục tiêu giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng vào năm 2050 so với mức của năm 1990 mà G-8 đã cam kết trong ngày họp đầu tiên, nhóm các nước đang phát triển G-5, đứng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, bày tỏ chưa sẵn sàng thực hiện các bước đi đầu tiên để cắt giảm khí thải khi hành động đó có thể ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế.

G-5 muốn làm rõ thêm vai trò của họ trong tiến trình này và muốn các nước phát triển trước tiên phải tài trợ giúp họ khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, trước khi đưa ra bất kỳ cam kết nào. Việc thảo luận chi tiết hơn vấn đề biến đổi khí hậu sẽ được tiếp tục tại hội nghị mang tính chất quyết định của Liên hợp quốc về vấn đề này vào tháng 12 tới tại Copenhagen (Đan Mạch).

Các nhà phân tích cho rằng việc chưa đạt được sự đồng thuận về cắt giảm khí thải tại hội nghị lần này cũng là sự chia rẽ cần được giải quyết trong năm nay nếu thế giới muốn đi tới một hiệp ước chung toàn cầu về hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Các vấn đề châu Phi, cuộc chiến chống đói nghèo và an ninh lương thực là những chủ đề của ngày làm việc thứ ba, cũng là ngày họp cuối cùng của Hội nghị L'Aquila, diễn ra với thành phần mở rộng tối đa. Tham dự hội nghị có lãnh đạo 28 nước và 8 tổ chức quốc tế, trong đó có Liên minh châu Phi (AU), Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)...

Theo giới quan sát, hội nghị dự kiến thông qua tuyên bố chung của lãnh đạo Nhóm G-8 và các nước châu Phi về nguồn tài nguyên nước; tuyên bố chung của hội nghị về vấn đề an ninh lương thực.

Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, chủ nhân các hội nghị tại L'Aquila, bày tỏ hài lòng về những kết quả đạt được. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cơ chế G-8 không còn có thể phù hợp với thế giới hiện nay, trong khi G-14 là một cơ cấu mang tính đoàn kết, đại diện cho 80% nền kinh tế thế giới.

Ông Berlusconi cho biết các nhà lãnh đạo thế giới "muốn thử nghiệm cơ chế G-14 xem liệu cơ chế này phù hợp với những quyết định mang tính đồng thuận hiệu quả đến mức nào". Ông cũng cho biết kể từ nay, các cuộc gặp cấp cao G-14 dự kiến sẽ được tiến hành thường xuyên. Chia sẻ quan điểm này, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi sớm triệu tập một hội nghị thượng đỉnh của G-14. Sáng kiến của Pháp đã nhận được sự ủng hộ của Brazil.

Hiện nay, nhóm các nước công nghiệp phát triển G-8 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Italy, Nhật Bản và Nga, trong khi nhóm các nước đang phát triển nhanh nhất thế giới G-5 gồm Brazil, Mexico, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục