G20 bàn biện pháp chống trốn thuế, củng cố kinh tế

Hội nghị G20 diễn ra trong hai ngày 19-20/7, với các chủ đề chính là ngăn chặn tình trạng trốn thuế và củng cố kinh tế toàn cầu.
Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong hai ngày 19-20/7 tại Mátxcơva, với các chủ đề chính là ngăn chặn tình trạng trốn thuế và củng cố kinh tế toàn cầu.

Tại hội nghị, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 sẽ trao đổi quan điểm về biện pháp chống trốn thuế thông qua hợp tác đa quốc gia như đã được kêu gọi trong Tuyên bố chung tại hội nghị G20 hồi tháng Tư vừa qua tại Washington, Mỹ.

Ưu tiên của G20 là tiến tới tăng cường sự minh bạch, hành động mạnh mẽ hơn với những nước đang duy trì hệ thống luật pháp thiếu tính hợp tác, từ đó "phanh phui" những thủ thuật mà các công ty đa quốc gia đã sử dụng để giảm thiểu hóa đơn thuế.

Các quan chức tham dự hội nghị có thể thảo luận về cách thức bảo vệ các nền kinh tế mới nổi khi những biến động trên các thị trường tài chính đang làm mờ triển vọng kinh tế trong tương lai của các nền kinh tế này.

Hội nghị lần này diễn ra trong thời điểm đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương nước này) giảm chương trình mua tài sản và lo ngại về tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc đang dìm giá cổ phiếu ở một số nền kinh tế đang phát triển và làm giảm giá đồng tiền của các nền kinh tế này.

Các thị trường tài chính toàn cầu biến động sau khi Chủ tịch Fed Ben Bernanke ngày 19/6 nói rằng có thể giảm quy mô chương trình mua trái phiếu vào cuối năm nay nếu nền kinh tế phục hồi như dự kiến, động thái sẽ dẫn tới làn sóng tháo chạy của dòng tiền ra khỏi các nền kinh tế mới nổi.

Trước khả năng này, bộ trưởng tài chính một số nước đang phát triển có thể muốn rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới thận trọng trong những thông điệp phát đi tới các thị trường tài chính về kế hoạch dừng chính sách tiền tệ nới lỏng.

Tại hội nghị lần này, những diễn biến trong nền kinh tế Trung Quốc cũng là điều được quan tâm giữa lúc nỗi lo ngại đang gia tăng về tác động tiềm ẩn của "hệ thống tài chính ngầm" mà ở đó các tổ chức tín dụng phi ngân hàng ở nước này đã cấp một lượng lớn các khoản vay.

Thị trường tín dụng đen này có thể làm nảy sinh những rủi ro tương tự những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ năm 2007, với đỉnh điểm là vụ ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ và khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra một năm sau đó.

Nếu hệ thống tài chính Trung Quốc bất ổn, tác động cũng sẽ được cảm nhận ở các nền kinh tế mới nổi. Các thành viên G20 có thể sẽ hối thúc Trung Quốc cung cấp thông tin nhiều hơn về hệ thống tài chính ngầm.

Trong khi đó, các quan chức tài chính Nhật Bản, nơi nền kinh tế đang có tiến triển tốt nhờ chính sách Abenomics, có thể sẽ nói về chiến lược tăng trưởng mới nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân được công bố tháng trước.

Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cùng với Thống đốc Ngân hàng trung ương Haruhiko Kuroda dự kiến sẽ tái cam kết khôi phục lại nền tảng tài chính của nước này vốn là tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế ở các nước giàu và nước mới nổi đang có những điểm không thuận lợi.

Khu vực sử dụng đồng euro đang bị mắc kẹt trong suy thoái và kinh tế Mỹ đang chật vật để giành động lực, trong khi tốc độ tăng trưởng cao của các nền kinh tế mới nổi vốn là động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang cho thấy những dấu hiệu chậm lại.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tăng trưởng 7,6% trong nửa đầu năm nay, cho thấy đà tăng trưởng nhanh gần đây đang bị chững và điều này đã khiến các nước xuất khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa tới nước này không khỏi lo lắng.

Hồi đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Brazil, Nga và Nam Phi. Các dự báo được đưa ra cho tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm nay và năm tới lần lượt là 7,8% và 7,7%.

Thứ trưởng Tài chính Mỹ Lael Brainard mới đây nói rằng Mỹ đang quan tâm đến những biện pháp mà Trung Quốc sẽ thực hiện để thúc đẩy nhu cầu cũng như những hành động mà các quốc gia châu Âu và Nhật Bản sẽ tiến hành để kích thích tăng trưởng.

Tuy nhiên, Đức lại muốn tập trung vào việc giảm nợ khi khủng hoảng nợ ở châu Âu vẫn âm ỉ. Mỹ cũng có một số câu hỏi phải trả lời về chính sách tiền tệ bởi như Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã nói các chính sách tiền tệ phải rõ ràng và có thể đoán biết trước./.


Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục