G7 sẽ dùng mọi công cụ chính sách để giảm thiểu hậu quả của COVID-19

Các quan chức tài chính G7 khẳng định sẵn sàng sử dụng "mọi công cụ chính sách thích hợp" không cho phép dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-7 hủy hoại tăng trưởng kinh tế.
Khách du lịch đeo khẩu trang đề phòng lây nhiễm virus corona tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khách du lịch đeo khẩu trang đề phòng lây nhiễm virus corona tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 3/3, các quan chức tài chính và ngân hàng nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) khẳng định sẵn sàng sử dụng "mọi công cụ chính sách thích hợp" không cho phép dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-7 hủy hoại tăng trưởng kinh tế, sau khi đã gây xáo trộn các thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần trước.

Tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G7 tại Washington (Mỹ) nêu rõ: "Sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách thích hợp để đạt tăng trưởng vững mạnh và lâu dài, cũng như đảm bảo chống lại những rủi ro từ dịch COVID-19."

Các bộ trưởng tài chính G7 sẵn sàng hành động để hỗ trợ đối phó với dịch bệnh, sẵn sàng tăng cường hợp tác trong "các biện pháp hiệu quả và kịp thời."

Tuy nhiên, các bộ trưởng không kêu gọi các chính phủ tăng chi tiêu hay kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất.

Theo tuyên bố, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thực thi đầy đủ các nhiệm vụ của mình, giúp ổn định giá cả và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

[Bộ trưởng Tài chính G7 và Eurozone họp trực tuyến về SARS-CoV-2]

Tuyên bố của G7 (gồm các nước Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản) cũng hoan nghênh cam kết của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các thể chế quốc tế khác đã hỗ trợ các nước thành viên giải quyết các thách thức kinh tế và nhân đạo mà dịch COVID-19 gây ra.

Trước đó, ngày 2/3, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo dịch COVID-19 đang đang đẩy kinh tế thế giới rơi vào tình trạng giảm sút nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đồng thời kêu gọi các chính phủ và ngân hàng trung ương nỗ lực để chặn đà suy giảm sâu hơn.

Với Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện đang có dấu hiệu dịch bệnh lan nhanh, OECD dự báo kinh tế châu Âu trong năm 2020 tăng trưởng 0,8%, giảm so với mức dự báo 1,1% đưa ra hồi tháng 11/2019.

Với Mỹ, OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,9%, giảm 0,1% so với dự báo trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục