G7 thảo luận kế hoạch đối phó suy thoái kinh tế

Ngày 14/2, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển cùng khách mời là Nga đã nhóm họp tại thủ đô Roma của Italy để thảo luận kế hoạch hành động đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.

Ngày 14/2, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển cùng khách mời là Nga đã nhóm họp tại thủ đô Roma của Italy để thảo luận kế hoạch hành động đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.
 
Trong hai ngày họp 14-15/2, các đại biểu sẽ thảo luận các vấn đề kinh tế nóng nhất hiện nay như việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và đưa ra cam kết đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang gây tác động mạnh đến các nền kinh tế phát triển, đặc biệt trong vài tháng trở lại đây.
 
Ngoài ra, hội nghị cũng trao đổi những biện pháp được đưa ra trong các gói kích thích kinh tế của mỗi nước và tìm kiếm sự nhất trí chung trong các biện pháp tiếp theo, bao gồm cả việc lập ra các quy định mới cho ngành tài chính toàn cầu.
 
Tại buổi họp đầu tiên, phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner dẫn đầu đã hối thúc các nước G7 đưa thêm "các biện pháp bổ sung và ngoại lệ" nhằm vực dậy nền kinh tế thế giới. Tuyên bố của phái đoàn Mỹ viết: "Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ khuyến khích những người đồng cấp trong G7 thực hiện các hành động mạnh mẽ để đối phó với những thách thức trong cả lĩnh vực tài chính và kinh tế vĩ mô". Dự kiến, ông Geithner cũng sẽ thảo luận với các đại biểu về kế hoạch ổn định tài chính Mỹ do ông soạn thảo.
 
Trước đó, phát biểu với báo giới trong cuộc gặp không chính thức của các đại biểu tối 14/2, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Dominique Strauss-Kahn, cho rằng các nền kinh tế phát triển đang trải qua giai đoạn "suy thoái sâu" và "nền kinh tế thế giới đang tiến gần tới thoái trào".

Số liệu công bố ngày 13/2 cũng cho thấy trong quý IV/2008, tăng trưởng kinh tế ở khu vực sử dụng đồng euro giảm 1,5% so với quý trước. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nói chung cũng đang rơi vào suy thoái.
 
Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về tình trạng áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch, sau khi Mỹ và Pháp quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ các ngành kinh tế trong nước, gây khó khăn cho các nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế toàn cầu.
 
Bộ trưởng Tài chính Đức Peer Steinbrueck cảnh báo "thế giới không nên lặp lại sai lầm như hồi những năm 30 của thế kỷ trước", trong cuộc Đại suy thoái mà khi đó việc áp dụng các chính sách bảo hộ mậu dịch đã gây ra những tác động liên hoàn khiến cuộc khủng hoảng càng thêm trầm trọng.
 
Bộ Tài chính Italy tuyên bố với vai trò là nước chủ nhà của hội nghị lần này, Italy sẽ tỏ rõ lập trường chống bảo hộ mậu dịch, thúc đẩy "một cơ sở tối thiểu cho việc lập ra các nguyên tắc mới" về quản lý tài chính thế giới và thảo luận về các vấn đề "an ninh lương thực"./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục