G-8 cam kết viện trợ các nước đang phát triển

Ngày 12/6, các bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) họp tại thủ đô Rome (Italy) đã khẳng định lại cam kết viện trợ tài chính cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước thuộc khu vực châu Phi.

Ngày 12/6, các bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) họp tại thủ đô Rome (Italy) đã khẳng định lại cam kết viện trợ tài chính cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước thuộc khu vực châu Phi.

Tại hội nghị thượng đỉnh G-8, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Nga và Mỹ - được tổ chức tại Gleneagles, Scotland năm 2005, lãnh đạo các nước này đã cam kết đến năm 2010 sẽ tăng viện trợ tài chính cho các nước châu Phi thêm 26 tỉ USD, sau đó đã điều chỉnh lại thành 21,8 tỉ USD.

Ngoại trưởng Italy Franco Frattini khẳng định: "Chúng tôi đã đưa ra cam kết trên và chúng tôi sẽ thực hiện cam kết."

Cùng ngày, 5 nước thuộc G-8, gồm Italy, Anh, Canada, Nga và Na Uy đã khởi động chương trình hỗ trợ vắcxin phòng chống bệnh cho các nước đang phát triển, giúp những nước này có đủ vắcxin phòng chống các bệnh nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não và viêm phế quản.

Cùng tham gia chương trình này còn có các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Trả lời phỏng vấn của các phóng viên tại thành phố Lecce của Italy trước cuộc họp bộ trưởng tài chính G-8, Bộ trưởng Tài chính Canada James Flaherty cho biết các nước trên cam kết viện trợ tổng cộng 1,5 tỉ USD cho sáng kiến chống bệnh phổi, trong đó Italy cam kết viện trợ 635 triệu USD, Anh 485 triệu USD, Canada 200 triệu USD, Nga 80 triệu USD và Na Uy 50 triệu USD.

Ông Flaherty cũng cho biết trong thời gian tới, các loại thuốc và vắcxin phòng chống bệnh này sẽ được phổ biến tại các nước đang phát triển. Chương trình viện trợ sẽ giúp giảm giá vắcxin phòng chống bệnh phổi tại các nước đang phát triển từ 70 USD/liều xuống còn 3,5 USD trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Robert Zoellick, chương trình hỗ trợ này sẽ giúp cứu sống khoảng 7,7 triệu người từ nay đến năm 2030.

Theo số liệu do Tổ chức thầy thuốc không biên giới công bố, mỗi năm trên thế giới có ít nhất một triệu trẻ em chết vì bệnh phổi, phần lớn trong số này là trẻ em ở những nước đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục