G-8: Kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều nguy cơ

Hội nghị G8 nhận định nền kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu ổn định, song vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều "nguy cơ đáng kể".
Lãnh đạo các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) trong ngày họp đầu tiên (8/7) tại thành phố L'Aquila, miền Trung Italy, đã đưa ra nhận định rằng nền kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu ổn định, song vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều "nguy cơ đáng kể".
 
Theo dự thảo tuyên bố chung, dự kiến được đưa ra vào cuối hội nghị, G-8 cho rằng đã có những dấu hiệu ổn định ở các nền kinh tế thành viên, trong đó có sự phục hồi đáng kể của các thị trường chứng khoán, song tình hình vẫn chưa chắc chắn và vẫn tồn tại những rủi ro đối với sự ổn định về kinh tế và tài chính.
 
Các nước G-8 cam kết tiếp tục thực hiện những biện pháp cần thiết cả chung và riêng để đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh, ổn định và bền vững. G-8 cho rằng các nước cần phát triển những "chiến lược thoát hiểm" riêng từ khủng hoảng kinh tế để đảm bảo sự phục hồi lâu dài.
 
Dự thảo tuyên bố của G-8 đã không đề cập trực tiếp đến sáng kiến của Trung Quốc về tìm một đồng tiền khác thay thế USD làm đồng tiền dự trữ toàn cầu, mà chỉ nói về việc "mất cân bằng" toàn cầu. Dự thảo viết: "Để có sự tăng trưởng lâu dài một cách ổn định và bền vững, thế giới cần giảm dần sự mất cân bằng hiện nay trong các tài khoản vãng lai".
 
Trong ngày làm việc đầu tiên, ngoài vấn đề kinh tế, lãnh đạo các nước G-8 còn thảo luận một loạt vấn đề quốc tế "nóng" hiện nay như vấn đề Triều Tiên, tình hình Iran sau bầu cử và chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Tuy nhiên, theo nhận định của giới quan sát, các kết luận của G-8 chưa thể dẫn đến bất kỳ hành động ngay lập tức nào, như thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt. Vấn đề Triều Tiên thử tên lửa, Hội nghị G-8 sẽ chỉ đưa ra một "thông điệp lên án mạnh mẽ".
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc hội đàm với Tổng thống Italy Giorgio Napolitano sáng 8/7, đã cho rằng cần phải theo đuổi giải pháp đối thoại với Iran và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên để thuyết phục hai nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Ông nói: "Điều quan trọng là cộng đồng thế giới cần phải đối thoại với những nước Iran và Triều Tiên để hướng họ đi theo con đường không dẫn đến một cuộc chạy đua hạt nhân như ở Trung Đông".
 
Ngày 9/7, Hội nghị thượng đỉnh G-8 sẽ được mở rộng thành Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF) với sự tham dự của 5 nền kinh tế mới nổi (gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Nam Phi) cùng Ai Cập (đại diện cho Trung Đông) và một số nước châu Phi.
 
Lĩnh vực nhiều khả năng đạt bước đột phá nhất tại hội nghị này là thương mại. Dự thảo tuyên bố chung cho thấy Nhóm "G8+5" sẽ nhất trí hoàn tất vòng đàm phán tự do thương mại Doha vào năm 2010. Ngoài ra, các nước cũng sẽ thảo luận về đề xuất của Mỹ rằng các nước giàu cần hỗ trợ 15 tỉ USD trong một vài năm cho việc phát triển nông nghiệp ở những nước nghèo để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực.
 
Tuy nhiên, vấn đề chống biến đổi khí hậu, vốn là một chủ đề chính của hội nghị và từng rất được kỳ vọng, có thể sẽ không có được những cam kết lớn về cắt giảm khí thải. Vào phút chót của cuộc họp bộ trưởng trù bị cho hội nghị MEF, khối các nước phát triển (với đại diện là Mỹ và EU) và các nước đang phát triển (như Trung Quốc và Ấn Độ) đã không thống nhất được mục tiêu chung cuối cùng về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050.
 
Các nước công nghiệp đã từ bỏ cam kết giảm 50% lượng khí thải vào năm 2050. Dự thảo tuyên bố chung không đề cập cam kết cụ thể nào trong lĩnh vực này, thay vì vậy chỉ đưa ra sự nhất trí về việc cần thiết phải hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống 2°C kể từ thời tiền công nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục