Gần 25 năm làm ông "bác sỹ" thú y không lương

Mỗi khi được tin gia súc, gia cầm của nông dân bị bệnh, bất kể lúc nào, ông Nông Thanh Thầm lại lên đường làm bác sĩ "không lương."
Trên chiếc xe máy cũ cùng một túi đồ nghề, mỗi khi nhận tin báo của bà con nông dân về việc gia súc, gia cầm bị bệnh bất kể nắng mưa, ngày đêm ngay lập tức ông có mặt để "xem bệnh bốc thuốc."

Ông là Nông Thanh Thầm (54 tuổi), dân tộc Tày, thương binh 4/4 - phụ trách công tác thú y xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Người dân xã Yên Nguyên vẫn quen gọi ông là ông "bác sỹ" không lương.

Hình ảnh ông Thầm đi đâu cũng lỉnh kỉnh túi đồ nghề đeo bên mình đã quá quen thuộc với những người dân huyện Chiêm Hóa. Ông Thầm giải thích, ông đem theo túi đồ nghề để tiện khi có ai gọi đến chữa bệnh cho gia súc, để lâu bệnh càng nặng càng khó chữa, mà ở nông thôn con trâu là đầu cơ nghiệp...

Ông Thầm từng tham gia Chiến dịch biên giới phía Bắc vào những năm 1979. Khi đó ông thuộc đơn vị D20 đặc công - Quân đoàn 26 - Quân khu 1 đóng quân ở tỉnh Cao Bằng.

Trong một trận chiến đấu với quân địch, ông bị thương nặng. Sau khi chữa khỏi vết thương, ông tiếp tục quay trở lại đơn vị công tác và đến tháng 12/1985, ông được phục viên trở về quê hương.

Về quê chứng kiến cảnh nhiều gia đình vay mượn khó khăn mới đủ tiền mua gia súc nhưng nuôi được vài năm, trâu, bò đang to béo bỗng nhiên đổ bệnh bị chết làm tiêu tan cả cơ nghiệp, ông Thầm đã quyết định theo học nghề thú y.

Đến nay, ông Thầm đã gắn bó với nghề thú y được gần 25 năm và ông chưa phải bó tay trước bất cứ ca bệnh nào. Nhiều ca bị bệnh từ các xã xa gọi, ông đều đến kịp thời.

Ông Thầm tâm sự, lúc bắt đầu vào nghề, chưa có xe máy, nhiều hôm ông phải đạp xe đạp 60-70km, đêm về vết thương cũ tái phát đau rã rời... Thế nhưng nhận được những lời cảm ơn chân thành của những người nông dân có trâu, bò được chữa khỏi bệnh, ông lại như được tiếp thêm động lực để vượt qua khó khăn.

Ông Trần Hữu Dưỡng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Yên Nguyên cho biết, Yên Nguyên là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, diện tích đất canh tác ít, thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi, với 1.400 con trâu, bò; trên 30.000 con lợn và hơn 65.000 con gia cầm.

Do được ông Thầm tuyên truyền vận động tốt nên tỷ lệ tiêm phòng gia súc hàng năm đạt khá cao, 70 đến 80%. Đặc biệt, ông Thầm luôn có mặt kịp thời để chữa cho gia súc mắc bệnh. Do vậy, gần 20 năm qua Yên Nguyên chưa xảy ra trận dịch bệnh nào.

Hết lòng với dân nhưng chính ông Thầm lại rất nghèo. Mới đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương ủng hộ 10 triệu đồng, gia đình ông mới có tiền để xây lại ngôi nhà mới ba gian cấp 4./.

Quang Đán (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục