Gần 290 triệu ca mắc COVID-19, các nước tăng cường phòng chống dịch

Tính đến 21h30 ngày 2/1, thế giới ghi nhận tổng cộng 289.798.570 ca mắc COVID-19, hơn 254 triệu bệnh nhân đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 30 triệu bệnh nhân đang được điều trị.
Gần 290 triệu ca mắc COVID-19, các nước tăng cường phòng chống dịch ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 2/1, thế giới ghi nhận tổng cộng 289.798.570 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.458.781 ca tử vong. Hơn 254,287 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 30 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Tại châu Á, Lào ghi nhận 684 ca mắc mới COVID-19 tại 17 tỉnh, thành phố và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 112.767 ca và 380 ca.

Bộ Y tế Lào cho biết sau 4 ngày liên tục ghi nhận mức 4 con số, số ca mắc mới nước này ghi nhận ngày 2/1 đã giảm xuống mức 3 con số, ít hơn 339 ca so với ngày 1/1.

Thủ đô Vientiane cũng ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng giảm 253 trường hợp so với ngày 1/1 nhưng vẫn đứng đầu cả nước với 121 ca trong một ngày.

Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đã được ban hành, đồng thời tiếp tục chuẩn bị trung tâm cách ly và cơ sở điều trị đầy đủ; chuẩn bị ngân sách dự phòng để mua vật tư y tế, vaccine, thuốc điều trị, dung dịch xét nghiệm và các thiết bị cần thiết.

Bắt đầu từ ngày 3/1 tới, Hàn Quốc sẽ áp dụng "giấy thông hành vaccine" tại nhiều điểm công cộng, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng số ca mắc mới tăng nhanh gần đây.

Giấy thông hành này sẽ chỉ có hiệu lực bắt đầu từ thời điểm đủ 6 tháng sau khi tiêm các mũi cơ bản hoặc tiêm mũi tăng cường.

Những người có giấy thông hành hợp lệ được đến các điểm công cộng như nhà hàng, quán càphê, nhà hát, hoặc các cơ sở đa năng trong phòng kín.

Những người chưa tiêm phòng sẽ cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus trong vòng 48 giờ trước khi vào các địa điểm trên. Ngày 2/1, Hàn Quốc ghi nhận 3.833 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 639.083 ca. 

Gần 290 triệu ca mắc COVID-19, các nước tăng cường phòng chống dịch ảnh 2Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Melbourne, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Y tế Australia cho biết số ca nhiễm mới ở nước này giảm trong ngày 2/1, nhưng số ca nhập viện tăng tại bang New South Wales, làm dấy lên lo ngại hệ thống y tế có thể quá tải.

Cụ thể, số ca nhiễm mới tại New South Wales, bang đông dân nhất Australia, giảm từ 22.577 ca xuống còn 18.278 ca do số người đi xét nghiệm trong ngày đầu Năm mới giảm 1/4. Nhưng số ca nhập viện tăng 18% lên 1.066 ca cùng ngày.

Trong khi đó, tại bang Victoria, số ca nhiễm theo ngày vẫn trên 7.000 ca và bang Queensland ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục là 3.587 ca.

Tất cả các bang ở Australia, trừ bang Tây Australia, đã chuyển sang chiến lược sống chung an toàn với dịch COVID-19 khi tỷ lệ tiêm phòng tăng.

Tuy nhiên, việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch đang khiến số ca nhiễm tăng cao. Mặc dù vậy, giới chức nước này hiện đang theo dõi sát số ca nhập viện hơn là số ca nhiễm mới.

[Thắp sáng hy vọng mới đối phó với đại dịch COVID-19]

Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel Nachman Ash cho rằng đợt gia tăng số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicro có thể dẫn đến miễn dịch cộng đồng ở nước này.

Hiện tốc độ lây nhiễm đang tăng mạnh và dự báo số ca mắc mới sẽ tăng lên các mức cao kỷ lục trong 3 tuần tới. Theo ông Nachman Ash, tốc độ lây nhiễm này có thể dẫn đến miễn dịch cộng đồng.

Ông nhấn mạnh đây là một khả năng, nhưng chính phủ Israel không muốn đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ lây nhiễm mà muốn đạt được điều này bằng cách nhiều người tiêm chủng phòng bệnh.

Khoảng 60% dân số Israel đã hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine cơ bản, chủ yếu sử dụng vaccine của Pfizer /BioNTech, trong đó có người đã được tiêm mũi thứ 3.

Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm nghìn người đủ điều kiện tiêm mũi 3 nhưng vẫn chưa đi tiêm. Hiện 78% số ca bệnh nặng tại Israel là những người chưa tiêm phòng.

Tại châu Âu, Bộ trưởng Giáo dục Vương quốc Anh Nadhim Zahawi cho biết các học sinh trung học ở vùng England được khuyến nghị đeo khẩu trang đi học khi các em trở lại trường học vào tuần tới sau kỳ nghỉ Giáng sinh, trong bối cảnh gia tăng tình trạng lây nhiễm biến thể Omicron.

Theo ông Nadhim, đây là một trong những biện pháp bổ sung và tạm thời để giúp số học sinh được đến trường nhiều nhất và thời gian các em được học ở trường nhiều nhất. England là vùng duy nhất trong 4 vùng của Vương quốc Anh trước đây chưa đưa ra khuyến nghị đeo khẩu trang trong lớp học.

Hiện số ca mắc mới hằng ngày tại vùng này liên tục tăng lên những mức cao mới, những người có xét nghiệm dương tính được yêu cầu cách ly tại nhà ít nhất 7 ngày, các trường học và các dịch vụ công đều có lúc gián đoạn hoạt động vì thiếu nhân viên.

Gần 290 triệu ca mắc COVID-19, các nước tăng cường phòng chống dịch ảnh 3Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Đức, Hiệp hội các bác sỹ (VKL) cho rằng hệ thống y tế nước này có thể được giảm tải nếu biến thể Omicron của chỉ gây bệnh ở mức nhẹ dù số ca mắc vẫn đang tăng.

Chủ tịch VLK Michael Weber cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể sẽ không còn là một mối đe dọa đối với hệ thống y tế nếu Omicron trở thành biến thể chủ đạo tại Đức, giống như tình hình ở Nam Phi, Anh hoặc Đan Mạch, và nếu các ca bệnh chủ yếu ở thể nhẹ như tại các nước trên.

Những ngày gần đây, số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày tăng trở lại tại Đức sau thời gian giảm đều trong tháng 12 và số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt cũng tăng nhẹ.

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach từng bày tỏ lạc quan rằng biến thể Omicron dường như ít gây nguy hiểm hơn so với các biến thể trước, nhưng vẫn lưu ý nguy cơ đối với người cao tuổi chưa tiêm phòng.

Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết thời gian cách ly đối với những người nhiễm đã tiêm đủ vaccine sẽ được giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, và có thể chấm dứt cách ly sau 5 ngày nếu có xét nghiệm âm tính.

Tuy nhiên, những người chưa tiêm phòng vẫn phải cách ly 10 ngày nếu nhiễm virus, và có thể hết cách ly sau 7 ngày nếu có kết quả âm tính.

Bộ trưởng Veran nhấn mạnh "chúng ta sẽ phải cảnh giác đến hết tháng 1," đồng thời dự báo đợt lây lan dịch do biến thể Omicron có thể sẽ là đợt cuối cùng.

Tại châu Mỹ, Cuba ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua.

Bộ Y tế công cộng Cuba thông báo 469 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong trong ngày 1/1, nâng tổng số lên 966.473 ca nhiễm và 8.323 ca tử vong. Số ca nhập viện trong ngày 1/1 là 1.473 ca, cũng ở mức cao nhất trong vòng hai tháng.

Cuba đang tiếp tục chương trình tiêm chủng đại trà, với 9,6 triệu người trong tổng số 11,2 triệu dân đã được tiêm phòng đầy đủ các mũi cơ bản. Hơn 2 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.

Venezuela tuyên bố nước này đã hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 90% dân số.

Venezuela đang triển khai chương trình tiêm chủng cho tất cả công dân từ 2 tuổi trở lên nhằm sớm đạt được miễn dịch mạnh và tiến tới trạng thái bình thường mới. Venezuela đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 95% dân số trong năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục