Gần 300 lao động Việt “chui” bị bắt giữ tại Malaysia

Trong chiến dịch truy quét người nhập cư và lao động nước ngoài làm việc trái phép của Malaysia, 298 người Việt Nam đã bị bắt giữ.
Theo thông tin mới nhất từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, tính đến ngày 30/9, sau một tháng Chính phủ Malaysia thực hiện chiến dịch truy quét người nhập cư và lao động nước ngoài làm việc trái phép tại Malaysia (Op 6P Bersepadu) đã có 7.500 người nước ngoài bị bắt giữ, trong đó có 298 người Việt Nam. [Malaysia thực hiện ân xá cho lao động nước ngoài] Đây là kết quả của việc kết hợp thực hiện chiến dịch truy quét người nhập cư, lao động nước ngoài làm việc trái phép tại Malaysia và chiến dịch truy quét, xoá sổ các băng nhóm tội phạm (Op Cantas Khas) bắt đầu từ ngày 1/9 và kéo dài đến hết năm 2013. Hai chiến dịch này nhằm xóa bỏ các băng nhóm tội phạm, đảm bảo việc làm cho người bản xứ, đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào du lịch nước ngoài. Chiến dịch truy quét được thực hiện tại tất cả các nơi công cộng, trong nhaà máy, xí nghiệp... nếu người bị kiểm tra không xuất trình được giấy tờ hợp pháp ngay lập tức sẽ bị bắt giữ và được đưa đến đồn cảnh sát gần nhất để kiểm tra và tạm giữ trong vòng 14 ngày, sau đó đưa đến một trong 12 trại giam trên toàn quốc (mỗi trại giam có sức chứa khoảng 1000 người). Theo thông tin từ Cục Nhập cư Malaysia, ngoài bị phạt tù, người nhập cư bất hợp pháp nếu bị bắt giữ sẽ bị phạt tiền với mức phạt cao nhất 5.000 (tương đương 35 triệu đồng). Chủ sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp sẽ bị phạt mức cao hơn gấp 10 lần là 50.000 ringgit (tương đương 350 triệu đồng/trường hợp) và bị phạt tù giam 5 năm nếu vi phạm pháp luật buôn bán người. Chiến dịch truy quét này đã có tác động đến cộng đồng người Việt và người lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia, đặc biệt tác động mạnh đối với số lao động đang làm việc “chui” tại Malaysia. Ông Nguyễn Kim Phương, Trưởng ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cho biết, chiến dịch truy quét người lao động và cư trú bất hợp pháp của Malaysia để ngăn chặn các trường hợp lợi dụng visa du lịch để đi lao động, hoặc bị lôi kéo, dụ dỗ theo các công ty môi giới không có giấy phép tuyển lao động hoặc bỏ trốn ngoài hợp đồng… Qua thông tin ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia nhận được hằng ngày và qua kiểm tra thực tế tại một số doanh nghiệp, việc kiểm tra chỉ chủ yếu ảnh hưởng đến người lao động ngoài giờ làm việc. Khi bị kiểm tra, nếu lao động xuất trình bản photo hộ chiếu và chủ sử dụng lao động xuất trình giấy tờ gốc là được thả ngay. “Trong tháng 9, ban quản lý chỉ nhận được thông báo  duy nhất có một trường hợp lao động bị tạm giữ tại đồn cảnh sát một thời gian, ban quản lý đã lập tức liên hệ với chủ sử dụng lao động để can thiệp kịp thời và lao động đã được trả tự do,” ông Nguyễn Kim Phương cho biết. Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, trong thời gian diễn ra chiến dịch, Đại sứ quán Việt Nam tại đây đã chủ động đưa thông tin rộng rãi trên website của Đại sứ quán, cổng cơ quan, liên hệ với Cục Lao động, Bộ Nguồn nhân lực Malaysia, một số sở lao động địa phương đề nghị họ lưu ý tới quyền lợi hợp pháp của lao động Việt Nam. Đại sứ quán còn thường xuyên liên hệ với các công ty môi giới và doanh nghiệp của Malaysia để nắm bắt tình hình và giải quyết khi phát sinh vụ việc./.
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Malaysia từ năm 2002. Ngày 1/12/2003, Việt Nam và Malaysia đã ký Bản Ghi nhớ về tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia.

Hiện tại, có gần 70.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia. Từ năm 2003 đến nay, có khoảng 190.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia; trong đó lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất chế tạo (khoảng 70%), làm việc trong các ngành nghề khác chỉ chiếm khoảng 30%./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục