Gần 300.000 người Myanmar sang Bangladesh lánh nạn chỉ trong 2 tuần

Cao ủy UNHCR Joseph Tripura cho hay khoảng 290.000 người Hồi giáo Rohingya đã đến tị nạn tại Bangladesh kể từ ngày 25/8 vừa qua, dẫn đến nguy cơ quá tải.
Gần 300.000 người Myanmar sang Bangladesh lánh nạn chỉ trong 2 tuần ảnh 1Người Myanmar ở bang Rakhine rời bỏ nhà cửa tránh xung đột tới khu vực biên giới gần thị trấn Teknaf, Bangladesh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 9/9, giới chức Bangladesh thông báo gần 300.000 người Myanmar ở bang Rakhine, phần lớn là người Hồi giáo Rohingya, đã chạy nạn sang Bangladesh trong hai tuần qua kể từ thời điểm bùng phát xung đột mới nhất tại bang miền Bắc Myanmar này.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Joseph Tripura cho hay khoảng 290.000 người Hồi giáo Rohingya đã đến tị nạn tại Bangladesh kể từ ngày 25/8 vừa qua, dẫn đến nguy cơ quá tải. Con số này đã tăng mạnh so với ước tính 164.000 người hôm 7/9 do các nhân viên của Liên hợp quốc phát hiện thêm các nhóm tị nạn mới tại các ngôi làng ở Bangladesh và một số khu vực trước đó chưa được các cơ quan cứu trợ tính đến. Trước đó, giới chức Bangladesh đã lên kế hoạch xây dựng một lán trại để tiếp nhận khoảng 250.000 người.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã bày tỏ đặc biệt quan ngại trước làn sóng người Myanmar chạy trốn sang Bangladesh trên, đồng thời cho biết các nhân viên của ICRC đang tăng cường nỗ lực viện trợ cho những người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng.

Trong tuần này, ICRC đã bắt đầu phân phát thực phẩm và nước uống đến khoảng 8.000 gia đình đang tạm trú ở khu vực biên giới Myanmar-Bangladesh. Một đội ngũ y tế di động gồm các y bác sỹ Bangladesh do ICRC hỗ trợ cũng đã được triển khai đến khu vực biên giới ở Bangladesh. ICRC cho biết hiện đang phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ thập Đỏ Myanmar và Hội Chữ thập Đỏ và trăng lưỡi liềm Bangladesh, cùng các tình nguyện viên để có những phản ứng cứu trợ kịp thời.

Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo nước này đã cử hai máy bay chở lương thực, thực phẩm và thuốc men đến thành phố cảng Chittagong của Bangladesh. Ông cũng cho biết một nhóm gồm các nhà ngoại giao và quan chức quân đội sẽ đến thủ đô Dhaka trong ngày 11/9 tới để thị sát tình hình, đánh giá nhu cầu hỗ trợ cần thiết của cộng đồng người Hồi giáo Rohingya.

[Malaysia lo ngại IS tuyển mộ người tị nạn Hồi giáo Rohingya]

Trước đó, người đứng đầu Lực lượng Vũ trang Malaysia cho biết Kuala Lumpur sẵn sàng hỗ trợ xây dựng một bệnh viện dã chiến gồm 200 giường bệnh tại Bangladesh nếu được sự cho phép của giới chức nước sở tại.

Giao tranh giữa quân đội Myanmar và các phần tử nổi dậy bùng phát tại bang Rakhine hôm 24/8, khi các tay súng tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang Rakhine. Đến nay, đụng độ đã làm ít nhất 110 người thiệt mạng.

Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng - dù nhiều người đã sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ.

Thời gian qua đã xảy ra tình trạng người Rohingya di cư hàng loạt từ bang Rakhine sang các nước láng giềng sau khi quân đội Myanmar phát động các chiến dịch truy quét các phần tử nổi dậy tấn công các trạm kiểm soát biên giới. Giới chức Myanmar cáo buộc các tay súng tấn công đó là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang sắc tộc nhỏ Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục