Gần 4.600 tỷ đồng đầu tư cải tạo, khôi phục QL 20

Dự án thành phần một công trình cải tạo, khôi phục Quốc lộ 20 dài khoảng 123,1km, từ huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đến Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Chiều 18/9, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải và các nhà đầu tư đã tổ chức ký Hợp đồng thực hiện đầu tư xây dựng Dự án thành phần một (Km0+00 – Km123+105,17) thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT).

Dự án thành phần một có kinh phí là 4.590 tỷ đồng; có điểm đầu Km0+000 (tại ngã ba Dầu Giây, giao Quốc lộ 1 tại Km 1832+400, thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại (Km123+105,17,  giao với tỉnh lộ 725, thuộc địa phận thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).

Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 123,1km, trong đó chiều dài tuyến cần khôi phục, nâng cấp cải tạo là 109,55km (gồm 6 cầu, trong đó: 1 cầu lớn, 3 cầu trung và 2 cầu nhỏ), còn lại 13,55km đã xây dựng.

Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 nối từ tỉnh Đồng Nai đến tỉnh Lâm Đồng, tách ra thành hai dự án thành phần, với tổng mức đầu tư hơn 7.648 tỷ đồng.

Dự án có điểm đầu tại Km0 (tại ngã ba Dầu Giây, giao Quốc lộ 1 tại Km1833 + 400, thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km 268 (giao Quốc lộ 27 tại Km220, thuộc địa phận thị trấn Đran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Tổng chiều dài dự án là 227,9km (chiều dài toàn tuyến là 268km).

Hướng tuyến cơ bản bám theo Quốc lộ 20 hiện tại, chỉ nắn cải tuyến cục bộ và được đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, cấp III miền núi và cấp IV miền núi. Toàn tuyến có 16 cầu xây dựng mới gồm hai cầu lớn, bốn cầu trung và 10 cầu nhỏ với khổ cầu phù hợp với bề rộng nền đường theo quy mô từng đoạn tuyến. Dự án cần phải giải phóng mặt bằng hơn 263ha.

Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu nhà thầu cần nhanh chóng triển khai dự án vì qua hơn 30 năm khai thác, Quốc lộ 20 - tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã xuống cấp nghiêm trọng. Đường xuống cấp đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải và sự phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong khu vực.

Bên cạnh đó, Quốc lộ 20 còn là một tuyến giao thông quan trọng phục vụ vận chuyển sản phẩm cho tổ hợp Bauxite Nhân Cơ và đáp ứng nhu cầu giao thông của các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và các địa phương trong vùng. Vì vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu đơn vị chủ dự án cần nhanh chóng thành lập các Ban giải phóng mặt bằng phối hợp cùng chính quyền các địa phương có công trình đi qua nhanh chóng giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, đảm bảo phải giải phóng ít nhất được 10km mới triển khai thi công.

Các đơn vị thi công khi được bàn giao mặt bằng cần nhanh chóng triển khai phương tiện, lực lượng thi công các hạng mục trong thời gian sớm nhất, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ đạo Ban quản lý dự án cần kiên quyết trong công tác quản lý, những đơn vị thi công không đủ năng lực, hoặc chậm tiến độ có thể mời ra khỏi dự án./.

Hồng Ninh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục