Gần 50% lao động ngành sản xuất nghỉ việc vì lương và phúc lợi thấp

Có tới gần 50% người lao động trong ngành sản xuất cho biết lương, chế độ phúc lợi không cạnh tranh là lý do chính khiến họ nghỉ việc.
Gần 50% lao động ngành sản xuất nghỉ việc vì lương và phúc lợi thấp ảnh 1(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Có tới gần 50% người lao động trong ngành sản xuất cho biết lương, chế độ phúc lợi không cạnh tranh là lý do chính khiến họ nghỉ việc.

 

[Tạo động lực thu hút FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất]

Đây là một trong những nội dung báo cáo về “Chân dung nhân lực ngành sản xuất: Thách thức và cơ hội trong nền công nghiệp 4.0” do Tập đoàn Navigos Group vừa công bố ngày 26/11.

Khảo sát này được thực hiện dựa trên sự phân tích của hơn 3.200 câu trả lời từ người tìm việc và như ý kiến của hơn 200 doanh nghiệp ngành sản xuất trong cơ sở dữ liệu của VietnamWorks và Navigos Search.

Coi trọng kiến thức chuyên môn

Trong ngành sản xuất, kiến thức chuyên môn được coi là yếu tố cần thiết nhất trong tuyển dụng khi có đến 73% ứng viên tham gia khảo sát đồng tình với ý kiến này. 67% doanh nghiệp trả lời sẽ từ chối tuyển dụng nếu ứng viên không có kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan đến kỹ năng giải quyết vấn đề và tính kỷ luật cũng được coi trọng, tương ứng với 42% và 39% ý kiến của ứng viên tham gia khảo sát.

Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Navigos Group Việt Nam cho biết, mặc dù nhân sự có mức độ gắn bó cao nhưng doanh nghiệp ngành sản xuất vẫn thiếu lao động, cả về số lượng và chất lượng. “Công việc ổn định” là từ khóa quan trọng nhất đối với nhân sự ngành sản xuất. 41% ứng viên chia sẻ khi tìm kiếm việc làm thì yếu tố ổn định đóng vai trò quan trọng nhất.

Về phía doanh nghiệp, 57% cho biết “công việc ổn định” hiện đang là yếu tố đứng đầu khi giữ chân nhân sự trong tổ chức. Một dữ liệu khác cũng rất tương đồng với độ gắn bó của nhân sự ngành sản xuất khi có 73% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết công ty họ có tỷ lệ nghỉ việc dưới 20%/năm. Về phía ứng viên, 40% ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ đang gắn bó với công ty hiện tại trên 5 năm.

Mặc dù vậy, 55% ứng viên trả lời họ nhận thấy doanh nghiệp mình làm việc đang thiếu lao động trầm trọng. 37% cho biết khối lượng công việc của họ tăng cao do bị ảnh hưởng bởi việc thiếu lao động này.

35% doanh nghiệp chia sẻ họ thiếu các nhân sự đạt được yêu cầu về chất lượng công việc. Thiếu số lượng ứng viên nhận được 14% ý kiến đồng tình.

Nghỉ việc vì ô nhiễm

Mặc dù dữ liệu cho thấy nhân sự ngành sản xuất có mức độ gắn bó với doanh nghiệp cao, tuy nhiên các lý do khiến nhân sự nghỉ việc cũng rất đặc thù liên quan đến yếu tố ngành nghề. Bên cạnh các lý do liên quan đến lương, thưởng và các phúc lợi xã hội không cạnh tranh, thì việc đi làm xa trung tâm và môi trường làm việc bị ô nhiễm (không khí, tiếng ồn…) đang nằm trong 5 lý do lớn nhất khiến nhân sự ngành này nghỉ việc.

Gần 50% lao động ngành sản xuất nghỉ việc vì lương và phúc lợi thấp ảnh 2

Ông Gaku Echizenya cho hay, 36% ý kiến cho biết môi trường làm việc bị ô nhiễm và 26% ý kiến về việc đi làm xa trung tâm hiện cũng là những thách thức lớn nhất đối với họ khi làm việc trong ngành này. Ở góc độ tuyển dụng, 39% doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng chia sẻ việc các khu công nghiệp ở xa trung tâm cũng là một trong những thách thức lớn nhất của họ khi tuyển dụng nhân sự.

Theo ông Gaku Echizenya, đáng lưu ý, việc làm trong ngành sản xuất hiện không thu hút được nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Có 42% doanh nghiệp cho biết đây là một trong những thách thức lớn nhất của họ. Có 32% doanh nghiệp chia sẻ họ sẽ tập trung xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng trong thời gian tới do những khó khăn hiện đang gặp phải khi yếu tố thương hiệu của tổ chức không đủ mạnh để thu hút được người lao động.

Để giải quyết bài toán về thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về chất lượng và số lượng, các doanh nghiệp ngành sản xuất đã thực hiện nhiều hoạt động, trong đó có các hoạt động liên kết với các cơ sở đào tạo để cải thiện chất lượng đào tạo (22% doanh nghiệp có cùng ý kiến) và hợp tác với các cơ sở đào tạo để đào tạo theo yêu cầu tuyển dụng (21% doanh nghiệp lựa chọn).

Đáng chú ý trong việc liên kết với các cơ sở đào tạo, trường dạy nghề đang được 49% các doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn, vượt qua trường đại học và trường cao đẳng, với tỷ lệ tương đương là 42% và 24%./.

Nhiều lao động trẻ chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục