Gần 6.000 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ tại Hà Nội

Nếu tính từ đầu vụ dịch đến ngày 14/9, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận hơn 1.870 ca đau mắt đỏ, thì chỉ trong một tuần (từ 15-21/9), số ca đau mắt đỏ đã là hơn 4.100 trường hợp.
Gần 6.000 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ tại Hà Nội ảnh 1Bác sỹ tại Bệnh viện mắt Trung ương khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ. (Ảnh: TTXVN)

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về dịch bệnh đau mắt đỏ, đến ngày 22/9, trên toàn địa bàn thủ đô đã có gần 6.000 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ.

Sở Y tế Hà Nội đánh giá dịch bệnh đau mắt đỏ trên toàn thành phố đang có xu hướng gia tăng mạnh.

Nếu như tính từ đầu vụ dịch đến ngày 14/9, trên địa bàn ghi nhận hơn 1.870 ca đau mắt đỏ thì chỉ trong một tuần (từ 15 đến 21/9) số ca đau mắt đỏ đã là hơn 4.100 trường hợp. Các trường hợp mắc bệnh rải rác tại các quận, huyện, thị xã.

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay bệnh đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng do thời tiết chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa nhiều, độ ẩm tăng tạo điều kiện thuận lợi cho virus Adenovirus phát triển và gây bệnh.

Để hạn chế dịch đau mắt đỏ, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các đơn vị, tăng cường công tác phòng, chống bệnh; trong đó tập trung vào việc hướng dẫn vệ sinh và phòng chống bệnh trong trường học và tại cộng đồng.

Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện thực hiện rà soát, thống kê chính xác số lượng bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh để phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời ổ dịch và báo cáo ngay về Sở nếu bệnh nhân gia tăng.

Thống kê tại Bệnh viện Mắt Trung ương cũng cho thấy, thời gian gần đây số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ gần đây tăng mạnh, chiếm khoảng 25-40% tổng số bệnh nhân. Mỗi ngày, các bác sỹ của Bệnh viện khám cho khoảng từ 1.000-1.500 bệnh nhân./.

Năm 2013, khi ở đỉnh dịch, bệnh gần như xuất hiện mạnh trên toàn quốc, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11. Năm nay bệnh xuất hiện muộn hơn, ít rầm rộ hơn.

Theo các bác sỹ về mắt, trẻ em thường nhạy cảm với các loại virus nói chung, do vậy dễ bị đau mắt đỏ. Ngược lại người già ít gặp đau mắt đỏ, có lẽ mô kết mạc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục