Gần 63% lao động di cư không được đào tạo nghề

Theo kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh, có đến  62,5% lao động di cư không có bằng cấp và đào tạo nghề.
Hiện nay, có tới 62,5% lao động nông thôn di cư không được đào tạo nghề, số còn lại được đào tạo nghề thông qua nhiều hình thức, trong đó, lượng lao động di cư có bằng cử nhân đạt 16,1%. Riêng người di cư tại tỉnh Lai Châu không được qua đào tạo nghề từ bất kỳ loại hình nào từ ngắn hạn đến dài hạn.

Số liệu này được đưa ra tại Hội thảo Công bố báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam qua kết quả điều tra hộ gia đình năm 2012 trên địa bàn 12 tỉnh, diễn ra sáng nay (7/8), ở Hà Nội.

Báo cáo đã tiến hành khảo sát ở hơn hơn 3.700 hộ gia đình nông thôn thuộc các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Đăk Lăk, Đắk Nông, Hà Tây (cũ), Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An.

[Hơn 47.000 lao động ra nước ngoài trong bảy tháng]

Thạc sỹ Trần Thị Thanh Nhàn, đại diện nhóm nghiên cứu của CAP thuộc Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp và Phát triển nông thôn (IPSARD) cho biết, tình trạng di cư khá phổ biến trong các hộ gia đình nông thôn Việt Nam. Theo khảo sát, có gần 20% hộ gia đình (trong tổng số 3.700 hộ nói trên) có ít nhất một người di cư. Trong đó, chủ yếu là di cư tạm thời với tỷ lệ 63,5%.

Có tới 47% số hộ gia đình cho biết các thành viên di cư với lý do tìm việc làm, 42% di cư vì việc học và 16% vì lý do kết hôn.

Ngoại trừ các tỉnh Điện Biên, Nghệ An và Hà Tây (cũ) với tỷ lệ rất nhỏ từ 0,7-3,7% trên tổng số người di cư là ra nước ngoài, còn lại hầu hết chỉ chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác tìm việc làm hoặc học tập. Đa phần lao động nông thôn di cư là đến các đô thị lớn để tìm việc trong các khu công nghiệp, chủ yếu thuộc hai ngành dệt may và da giày.

Để có được cơ hội làm việc tại các khu công nghiệp trên, người lao động phải hoàn thành giáo dục trung học cơ sở. Do đó, có khoảng 38% người di cư hoàn thành trình độ trung học phổ thông; 37% vẫn còn đi học (hoặc di cư để tự học) và khoảng 20% người di cư đã hoàn thành giáo dục trung học cơ sở.

Báo cáo cũng chỉ ra, những lao động di cư đã hoàn tất bậc trung học sẽ có thu nhập cao hơn so với người di cư có trình độ giáo dục thấp hơn. Trong khi người di cư học hết tiểu học chỉ thu nhập trung bình khoảng 30 triệu đồng/năm thì lao động di cư học hết cấp ba có thể kiếm được trung bình gần 50 triệu đồng/năm.

Trước tình hình này, ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban chính sách phát triển nông thôn, Viện nghiên cứu  quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần có nhiều dự án, chương trình đào tạo việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn để nâng cao thu nhập cho người lao động.

Lao động di cư có trình độ càng cao thì họ sẽ ít phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội tại nơi ở mới của họ, họ phải ít chịu sự phân biệt đối xử hơn so với các thành viên khác trong xã cộng đồng, như chính sách công về tiếp cận giáo dục, đất đai, chăm sóc y tế và việc sử dụng các dịch vụ xã hội...

Ông Khải cũng cho rằng, năng suất lao động nông nghiệp nước ta hiện còn thấp, sản xuất nông nghiệp quá nhỏ lẻ và manh mún chưa đủ sức hấp dẫn lao động chuyên môn, thì trước mắt cần có cơ chế tạo điều kiện cho người lao động đến với nơi di cư làm việc được đảm bảo về điều kiện, môi trường làm việc, cũng như về đối xử công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ, cơ hội về việc làm. Còn đối với lực lượng lao động tại nông thôn cần có một cơ chế khuyến khích những người thực sự quan tâm đến phát triển nông nghiệp theo hướng kinh doanh nông nghiệp./.

Lê Yến

Tin cùng chuyên mục