Tiền Giang và Đồng Tháp được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức phát triển Australia (AusAID) tài trợ thực hiện Dự án “Quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt Tiểu vùng sông Mekong mở rộng” (gọi tắt là RETA).
Theo ông Ưng Hồng Nghi, Giám đốc Ban Quản lý dự án (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tỉnh Tiền Giang, dự án có tổng kinh phí lên đến gần 64 triệu USD (hơn 1.342 tỷ đồng) trong thời gian sáu năm, từ 2012-2017.
Dự án nhằm nạo vét, mở rộng 77km kênh; tôn cao, áp trúc, gia cố 60km bờ bao kết hợp làm đường giao thông nông thôn; xây dựng hệ thống cống điều tiết, cầu giao thông cùng một số công trình phụ trợ quan trọng khác nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát lũ, bảo đảm đời sống và sản xuất cho nhân dân trong vùng dự án, đồng thời cung cấp nước tưới phục vụ gần 186.000ha đất canh tác ở hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp.
Đáng chú ý, dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực của cộng đồng nhằm chuẩn bị đối phó, khắc phục rủi ro và giảm thiệt hại thấp nhất do lũ lụt và hạn hán gây ra đối với kinh tế-xã hội các địa phương được hưởng lợi. Đặc biệt, dự án còn hướng tới xác lập, củng cố hợp tác vùng để quản lý các hiện tượng cực đoan, thích ứng với diễn biến của biến đổi khí hậu và nước biển dâng mà khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó khu vực ven biển, nội đồng vùng trũng Đồng Tháp Mười là những địa bàn trọng điểm.
Dự án trên gồm ba hợp phần chính: hợp phần công trình, hợp phần phi công trình và hợp phần hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý dự án. Hợp phần phi công trình gồm bốn tiểu dự án: kiểm soát lũ và giảm rủi ro vùng Ba Rài-Phú An (tỉnh Tiền Giang); nâng cấp hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn vùng Gò Công (tỉnh Tiền Giang); tiểu dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh trục tiêu thoát lũ và cung cấp nước tưới cho vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp); tiểu dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực thị trấn Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).
Tại Tiền Giang, trong khuôn khổ Tiểu dự án kiểm soát lũ và giảm rủi ro do lũ vùng Ba Rài-Phú An, tỉnh sẽ xây dựng bổ sung 28 cống đầu kênh nhằm tăng khả năng kiểm soát lũ, ngăn triều cường, đảm bảo an toàn cho 4.540 ha vùng trồng cây ăn trái chất lượng cao thuộc hai huyện đầu nguồn Cai Lậy và Cái Bè. Qua đó, giúp nhân dân cụ thể hóa chủ trương “chung sống với lũ” để an cư lạc nghiệp.
Đối với Tiểu dự án nâng cấp hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn vùng Gò Công, Tiền Giang tập trung cho việc nâng cấp hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn, cải tạo môi trường thị xã Gò Công, giữ ngọt cho vùng dự án đồng thời đảm bảo nguồn nước tưới cho gần 35.000ha đất canh tác thuộc các huyện phía đông tiếp giáp với biển Đông gồm thị xã Gò Công, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo.
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương triển khai các công việc cần thiết, các hạng mục công trình đang trong giai đoạn thẩm tra và lấy ý kiến đóng góp của các địa phương trong vùng dự án, nhằm chủ động triển khai thực hiện ngay trong năm 2014 để phát huy tốt hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống./.