Gắn kết chặt chẽ các Bộ, ngành trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Thành công lớn nhất của Chương trình SP-RCC tại Việt Nam là sự gắn kết chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Gắn kết chặt chẽ các Bộ, ngành trong ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 1Trồng rừng phòng hộ ven biển tại Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Ngày 19/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phiên họp toàn thể Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) nhằm báo cáo kết quả thực hiện Khung chính sách 2014, cập nhật tình hình thực hiện Khung chính sách 2015 và báo cáo kết quả thảo luận định hướng Khung chính sách 2016-2020 và Khung chính sách 2016.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá cao sự hỗ trợ của các đối tác phát triển trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định Chương trình SP-RCC đã có tác động tích cực đối với Việt Nam.

Thành công lớn nhất của SP-RCC là sự gắn kết chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã và đang tích cực triển khai hoàn thiện Chương trình SP-RCC giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục thực hiện hiệu quả các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết tổ Công tác xây dựng Chương trình SP-RCC giai đoạn 2016-2020, với thành phần là chuyên gia đầu ngành về biến đổi khí hậu ở Việt Nam và lãnh đạo cấp Cục, Vụ tại các Bộ, ngành đã tổ chức nhiều phiên họp để thảo luận về định hướng Khung chính sách giai đoạn 2016-2020 và Khung chính sách 2016.

Trong định hướng Khung chính sách 2016-2020 ưu tiên các lĩnh vực như giảm phát thải khí nhà kính; đô thị xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, công trình xanh; chủ động ứng phó với thiên tai và quan trắc khí hậu; quản lý tài nguyên nước; bảo vệ và phát triển rừng bền vững; xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; nông nghiệp thông minh; tăng cường an toàn đập; điều phối và lập kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực tại Đồng bằng sông Cửu Long; hòa nhập và tăng cường hợp tác quốc tế trong quá trình nâng cao vai trò quốc gia trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu.

Báo cáo kết quả thực hiện Khung chính sách 2014, ông Đỗ Mạnh Hùng, Ban điều phối Chương trình SP-RCC cho biết đã tổ chức được chín phiên họp. Một số Bộ đã tham gia tích cực chủ động, nên một số hành động chính sách hoàn thành sớm như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông Vận tải. Một số hành động chính sách gặp khó khăn về kinh phí thực hiện, kinh nghiệm tích hợp yếu tố biến đổi khí hậu vào hành động chính sách, phức tạp và liên quan đến nhiều ngành nên không hoàn thành được.

Một số hành động chính sách năm 2014 có ý nghĩa thực tiễn cao, đòi hỏi các Bộ phải cẩn trọng, đó là cơ chế chia sẻ lợi ích Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), cơ chế khuyến khích Phát triển các loại năng lượng tái tạo, tài chính cho sử dụng năng lượng hiệu quả...

Về Khung ma trận chính sách 2015, tất cả 33 hành động chính sách đã được các Bộ báo cáo, cập nhật, tạo điều kiện cho đợt giám sát thực hiện vào cuối năm 2015; nhiều hành động chính sách đang thực hiện với tiến độ tốt.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng đối với những nội dung cần tiếp tục được thảo luận trong dự thảo Khung chính sách 2016 cũng như Khung chính sách 2016-2020, cần có thêm thời gian để trao đổi làm rõ những việc đã thực hiện, việc còn thiếu và tiếp tục sẽ thực hiện công việc; cần sự đồng thuận về mức độ ưu tiên giữa Bộ, ngành với các đối tác phát triển; các đối tác phát triển thảo luận, hỗ trợ với các Bộ trong việc xây dựng các chính sách ngay tại các bước đầu tiên, đảm bảo tính lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh trong các nội dung thực hiện, đặc biệt là các chính sách được thực hiện bằng nguồn lực của các Bộ, ngành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục