Gần một nửa bến xe trong cả nước đã được xã hội hóa

Hiện cả nước có 457 bến xe ôtô khách trong đó có 322 bến xe loại 4 trở lên đảm bảo phục vụ hành khách liên tỉnh theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải và 213 bến xe đã được xã hội hóa.
Gần một nửa bến xe trong cả nước đã được xã hội hóa ảnh 1Bến xe khách Giáp Bát. (Ảnh : Anh Tôn/TTXVN)

Ngày 27/6, Hội nghị phát triển công tác xã hội hóa và nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động của bến xe ôtô khách do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức đã diễn ra tại Đà Nẵng.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, nhiều năm qua, Nhà nước đã quan tâm phát triển đầu tư xây dựng mạng lưới bến xe ôtô khách với chất lượng dịch vụ ngày một nâng cao.

Các bến xe trung tâm khang trang, hiện đại đã được xây dựng tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng..., góp phần quan trọng trong việc tổ chức hoạt động vận tải thuận lợi, an toàn.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Vụ trưởng vụ vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết hiện cả nước có 457 bến xe ôtô khách trong đó có 322 bến xe loại 4 trở lên đảm bảo phục vụ hành khách liên tỉnh theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.

Như vậy, bình quân mỗi tỉnh, thành phố có 7 bến xe, trong đó trên 70% số bến xe từ loại 4 trở lên.

So với thời điểm trước khi sắp xếp phân loại theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, số lượng bến xe đã giảm 87 bến do không đủ điều kiện công bố bến xe theo quy định. Tại 63 tỉnh, thành phố, 213/457 bến xe đã được xã hội hóa (hoạt động theo Luật doanh nghiệp 2005).

Các bến xe xã hội hóa có ưu điểm: điều kiện cơ sở vật chất tốt, nhiều doanh nghiệp chủ động, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc điều hành và tổ chức quản lý hoạt động của bến xe. Công tác xã hội hóa bến xe mới thành công ở một số bến trung tâm, đô thị lớn. Nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động phát triển, đầu tư xây dựng bến xe.

Về cơ bản, 213 bến xe đã xã hội hóa được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ vận tải hành khách của đô thị. Tuy nhiên, hầu hết các bến xe xã hội hóa đều chưa được sử dụng hết năng lực sẵn có. Số lượng xe xuất bến còn hạn chế, hiệu quả kinh tế không cao.

Nhiều đại biểu cho rằng, hiện, nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng đầu tư vốn phát triển bến xe ôtô khách, góp phần xây dựng bộ mặt đô thị văn minh hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, sau 6 năm Luật Giao thông đường bộ ban hành, công tác xã hội hoá bến xe mới chỉ đạt 46,6%.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân do công tác quy hoạch phát triển các bến xe tại nhiều địa phương chưa phù hợp, không ổn định. Thực tế này đã khiến nhiều nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà. Do vậy, quy hoạch bến xe cần phải đảm bảo kết nối với các đô thị, khu dân cư, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, số lượng dân tại đô thị.

Một số quy hoạch như: phát triển vận tài hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, phát triển xe buýt... chưa được thực hiện đồng bộ cùng với quy hoạch bến xe. Thực tế này gây khó khăn tới việc đầu tư, xây dựng bến xe.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi về xây dựng bến xe còn yếu. Nhiều nhà đầu tư khó khăn về việc tìm quỹ đất xây dựng bến xe, giải phóng mặt bằng, vay vốn đầu tư.

Các bến xe có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động của phương tiện vào bến đón trả khách. Trong khi đó, việc điều tiết hoạt động của phương tiện tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định hiện nay chưa thể vận hành theo cơ chế tự điều tiết, mà vẫn có sự can thiệp, chấp thuận của cơ quan quản lý tuyến. Cách làm này tạo mâu thuẫn trong việc đầu tư và khai thác hiệu quả bến xe.

Để kêu gọi, các nguồn vốn tham gia vào đầu tư, xây dựng bến xe ô tô khách, nâng cao hiệu quả quản lý, thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của bến xe ôtô khách. Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động bến xe cũng sẽ được xây dựng.

Mô hình bến xe mẫu được hình thành và nhân rộng. Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu để đề xuất Chính phủ và các địa phương đưa ra quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp liên quan đến tiền thuê đất, lãi suất vay vốn, vấn đề giải phóng mặt bằng và các điều kiện thuận lợi khác để các nhà đầu tư an tâm tham gia khai thác bến xe...

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát và công bố lại quy hoạch bến xe đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đảm bảo mỗi địa phương có các vị trí quy hoạch bến xe thực hiện ổn định lâu dài. Bên cạnh cơ chế chung của Nhà nước, tùy theo điều kiện và tình hình phát triển, địa phương xây dựng và ban hành cơ chế chính sách ưu đãi riêng cho việc thu hút xã hội hóa các bến xe./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục