Gạo xuất khẩu của Việt Nam tồn kho lớn vì mức giá bán không cao

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp khó khăn, gạo chủ yếu xuất khẩu theo hợp đồng thương mại nên giá không cao.
Gạo xuất khẩu của Việt Nam tồn kho lớn vì mức giá bán không cao ảnh 1Vận chuyển gạo xuất khẩu tại công ty lương thực Long An. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp khó khăn, gạo chủ yếu xuất khẩu theo hợp đồng thương mại nên giá không cao so với giá lúa ở thị trường nội địa. Hiện nay lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đang ở mức cao.

Trong bốn tháng đầu năm nay, các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam đang giảm mạnh về giá trị, gồm Ghana giảm 51%, Hong Kong giảm 45,4%, Hoa Kỳ giảm 21% và Bờ Biển Ngà giảm 18,2%.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng năm nay đạt khoảng 445 USD/tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2016.

[Xuất khẩu gạo của Việt Nam lại rơi vào vòng xoáy trầm lắng]

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất trong thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay với 47,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm nay đạt 815.400 tấn và 376,2 triệu USD, tăng 16,1% về khối lượng và tăng 16,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay với 11,4% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm nay đạt 236.600 tấn và 90,1 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

(Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay. (Đơn vị: %))

Tuy nhiên, nhìn chung khối lượng gạo xuất khẩu tháng Năm ước đạt 538.000 tấn với giá trị đạt 245 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm nay ước đạt 2,3 triệu tấn và 1 tỷ USD, tăng 1,6% về khối lượng và tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết tháng 4/2017, các doanh nghiệp vẫn còn trên 1,1 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng song chưa giao hàng, trong đó gần 900.000 tấn là thuộc hình thức hợp đồng thương mại. Số lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu hiện tăng trở lại, chủ yếu do giá xuất khẩu giảm, có sức cạnh tranh về giá nên thu hút người mua quay lại.

Các chuyên gia cũng cho rằng dù không muốn thừa nhận nhưng gạo Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh được với các nguồn cung khác nếu có giá bán thấp hơn. Đây là một thực tế khó tránh được khi xét về mặt bằng chung, gạo Việt còn chưa có thương hiệu và chất lượng còn thấp.

Điều này cũng lý giải nguyên nhân vì sao những tháng đầu năm nay, giá lúa gạo trong nước cao bất thường, kéo theo giá xuất khẩu tăng theo, nhưng doanh nghiệp lại không ký được nhiều hợp đồng mới và xuất khẩu lại chững lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục