Gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ khó được giá hời

Các chuyên gia cho rằng từ nay đến cuối năm, thị trường gạo thế giới sẽ xuất hiện xu hướng cầu nhập khẩu giảm nhẹ, trong khi nguồn cung lại tăng. Điều này làm cho giá lúa gạo có thể giảm nhẹ.

Cầu nhập khẩu có dấu hiệu chững lại do một số thị trường nhập khẩu gạo lớn có sản lượng gạo tự sản xuất tăng, cộng với sản lượng gạo tại nhiều nước xuất khẩu gạo tăng, càng làm cho nguồn cung dồi dào.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo triển vọng ngành lúa gạo 6 tháng cuối năm, tổ chức ngày 21/7, tại Hà Nội, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nửa cuối năm nay sẽ giảm nhẹ so với nửa đầu năm 2009.

Cầu nhập khẩu giảm, cung tăng

Các chuyên gia cho rằng từ nay đến cuối năm, thị trường gạo thế giới sẽ xuất hiện xu hướng cầu nhập khẩu giảm nhẹ, trong khi nguồn cung lại tăng. Điều này làm cho giá lúa gạo có thể giảm nhẹ.

Phân tích kỹ hơn xu hướng trên, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (AGROINFO) cho biết, dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, tổng cầu tiêu dùng gạo thế giới năm nay đạt 443,4 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2008.

Tuy nhiên, trong khi cầu tiêu dùng tăng, thì cầu nhập khẩu có dấu hiệu chững lại do một số thị trường nhập khẩu gạo lớn, điển hình như Indonesia có sản lượng gạo tự sản xuất tăng (dự kiến tăng 0,3 triệu tấn so với năm 2008). Điều này cộng với sản lượng gạo tại nhiều nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam... tăng, càng làm cho nguồn cung dồi dào.

Hiện nguồn cung của hai "đại gia" xuất khẩu gạo là Ấn Độ và Thái Lan đang khá lớn. Bởi vậy, một khi họ bán ra sẽ làm cho giá gạo khó giữ ở mức như hiện nay. Chuyên gia Nguyễn Đình Bích ở Viện nghiên cứu Thị trường phân tích, Thái Lan đang gặp khó khăn trong giải bài toán xuất khẩu gạo.

Theo tính toán, lượng lúa gạo mà nước này đã mua dự trữ phải xuất khẩu với giá 600 USD/tấn, thì mới có lãi, trong khi đó giá gạo hiện chỉ hơn 400 USD/tấn. Khác với Ấn Độ, nếu khó khăn trong xuất khẩu có thể đưa lượng gạo dự trữ vào tiêu dùng nội địa, Thái Lan rất khó làm như vậy, vì lượng gạo dự trữ khá lớn (lên đến gần 4,5 triệu tấn), trong khi sức tiêu thụ của thị trường trong nước không mạnh.

Bởi vậy, chắc chắn Thái Lan phải xuất khẩu gạo trong khoảng từ nay đến cuối năm dù có thể bị lỗ, để tránh nguy cơ giá gạo giảm thêm vào đầu năm 2010. Hiện Ấn Độ tiếp tục là ẩn số đối với thị trường lúa gạo từ nay đến cuối năm.

Theo dự báo của USDA, do lo ngại thời tiết xấu, nước này đã liên tục mua gạo dự trữ, hiện lên đến gần 20 triệu tấn, trong khi chỉ xuất khẩu gần 4 triệu tấn. Trong nửa cuối năm nay, nếu thời tiết thuận lợi, khả năng Ấn Độ tăng xuất khẩu gạo là khá lớn. Điều này cộng với nỗ lực tăng xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ khiến giá gạo thế giới giảm.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ?

Xuất phát từ diễn biến thị trường gạo thế giới như trên, nhiều chuyên gia nhận định, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm có thể giảm nhẹ. Bà Nguyễn Trang Nhung, chuyên gia của AGROINFO, đưa ra 2 kịch bản cho thị trường gạo Việt Nam nửa cuối năm 2009.

Kịch bản thứ nhất là Thái Lan chưa bán lượng gạo dự trữ, trong khi Ấn Độ tiếp tục nghe ngóng yếu tố thời tiết, thì Việt Nam có thể tranh thủ lúc giá gạo còn cao để đẩy lượng gạo xuất khẩu trong năm nay lên 6 triệu tấn.

Kịch bản thứ hai là thị trường gạo nửa cuối năm nay tăng cung do Ấn Độ và Thái Lan bán gạo dự trữ. Điều này cộng với cầu thế giới thấp và nguồn cung gạo của Việt Nam tăng từ thu hoạch vụ hè thu và thu đông sắp tới, sẽ khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ và lượng gạo xuất khẩu khó đạt như dự kiến.

Tương tự, chuyên gia Nguyễn Đình Bích cho rằng: Tín hiệu cung cầu trên thị trường cho thấy, nhiều khả năng kịch bản của thị trường gạo năm nay là nửa đầu năm tăng, và giảm nhẹ vào nửa cuối năm. Bởi vậy, năm 2009, Việt Nam xuất khẩu được 6 triệu tấn gạo với mức giá giữ được như hiện nay là một thắng lợi./.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục