Nữ chính khách Việt kiều

Gặp gỡ nữ chính khách Việt kiều đầu tiên tại Bỉ

Cách đây 2 năm, chị Trần Thu Lan (quê gốc Đồng Tháp) ra ứng cử Hội đồng nhân dân địa phương quận Merchtem, Bỉ và thắng cử tuyệt đối.
Người phụ nữ nhỏ bé, dịu dàng Trần Thu Lan, sinh năm 1969, quê gốc thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp là nữ chính khách Việt Nam đầu tiên tại Bỉ.

Chị ra Thành phố Hồ Chí Minh học Đại học Mở, Khoa Quản trị Kinh doanh, rồi đầu quân cho Tổng công ty du lịch Việt Nam. Công việc cứ mải miết cuốn chị đi và rồi trong một hội thảo về du lịch tổ chức ở Thụy Sĩ, chị đã gặp "người đàn ông của đời mình". Anh là người Bỉ, cao lớn, đẹp trai, lãng tử, nhưng thực chất là một công chức rất có uy tín trong ngành báo chí và du lịch của Bỉ.

Gặp nhau là thương nhau ngay. Anh chị đến với nhau tự nhiên như cuộc đời vốn phải vậy, rồi kết hôn và cuối năm 1994 chị sang Bỉ đoàn tụ cùng chồng.

Cùng chí hướng, cùng sở thích, họ dành thời gian cùng nhau đi khám phá, du lịch, tìm hiểu các nền văn hóa, văn minh khác nhau trên mọi miền thế giới. Nhưng ở đâu rồi chị cũng nhớ về đất mẹ, nơi quê nghèo còn biết bao bộn bề, dang dở nhưng gắn bó máu thịt với chị.

Và không thể khác được, chị tiếp tục công việc của mình trong ngành du lịch để có thể đưa người dân quê chồng về thăm quê mẹ, để giới thiệu thật nhiều về đất nước, về con người với một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ra thế giới, thông qua các chuyến du lịch Việt Nam trong chương trình tour của công ty "Đường mòn châu Á".

Vốn là người phụ nữ ham học hỏi, lại được sự động viên khuyến khích của chồng, chị Trần Thu Lan xâm nhập thực tế rất nhanh.

Chị háo hức tìm hiểu tình hình văn hóa, xã hội và chính trị của nước Bỉ với những phức tạp rất đặc trưng của một quốc gia đa văn hóa, đa ngôn ngữ và có đến ba cộng đồng dân cư cùng chung sống trên một vùng lãnh thổ.

Nhờ vậy, chị đã hiểu biết rất rõ đời sống chính trị của Bỉ cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân nơi đây. Chị ráo riết học ngoại ngữ để tự trau dồi khả năng tiếp cận môi trường sống và làm việc mới, do đó đến nay chị đã có thể thâm nhập thực tế dễ dàng, có khả năng sử dụng thành thạo cả ba thứ tiếng Anh, Pháp, Hà Lan, và thậm chí còn có thể làm việc được bằng tiếng Đức và tiếng Nhật.

Cách đây 2 năm, chị Trần Thu Lan ra ứng cử Hội đồng nhân dân địa phương quận Merchtem với tư cách là một ứng cử viên độc lập, không theo đảng phái nào, tuy lúc đó gần như đảng phái nào ở địa phương cũng mời chị ra cùng ứng cử như gương mặt một phụ nữ nhập cư hiểu biết và thành đạt.

Chị kể: "Mục đích chính khiến tôi đồng ý ra ứng cử là để giúp chồng và những người bạn thân của chồng, hoàn thiện những công việc và dự án mà họ đang làm rất tốt. Kết quả là chúng tôi thắng cử tuyệt đối, chiếm 14 ghế trong tổng số 23 ghế dành cho quận."

Chị cho biết thêm: "Sau khi thắng cử, tôi giao lại ghế cho chồng và những người bạn tâm huyết, nhưng họ vẫn cố níu giữ tôi lại bằng một chân dự khuyết. Cách đây 2 tháng, một anh bạn trong Hội đồng đột ngột qua đời, cái chân dự khuyết này lại được "lôi" ra. Tôi phải xắn tay vào công việc để không phụ lòng mọi người. Khi biết tin tôi ra làm việc, bà con rất vui, nhất là những cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ tôi".

Được hỏi: "Một người phụ nữ Việt Nam bươn trải trên đất khách quê người, lại bận bịu con nhỏ, đạt được vị trí như chị hiện tại có phải là trường hợp rất hiếm không?"

Chị dịu dàng trả lời: "Khá hi hữu và có thể nói tôi là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tại Bỉ trở thành chính khách. Đây là một công việc xã hội đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, kiểu Việt Nam mình gọi là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" đấy. Mình là đại diện của dân thì trước tiên phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân. Thấy cái gì đúng thì phải làm ngay. Phải tìm hiểu, suy nghĩ, sáng tạo để làm được những việc có ích cho dân".

Đề cập đến những khó khăn với tư cách là người nước ngoài nhập cư trong cương vị hiện tại, chị Lan vui vẻ nói: "Bác Hồ đã dạy rồi "khó khăn nào cũng vượt qua" mà. Tôi đã kiên trì và nhẫn nại vượt qua tất cả. Tuy nhiên cần hiểu rằng với người dân địa phương, một khi mình đã chịu khó hòa nhập và sống hòa đồng với cộng đồng của họ, họ sẽ sẵn sàng dang tay đón nhận mình, giúp đỡ mình rất chân tình. Ngạn ngữ mình có câu “nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”.

"Hồi tôi đến Bỉ là cuối tháng 12/1994, lúc ấy thời tiết lạnh lắm, nhiệt độ âm 10°C, tuyết phủ trắng xóa đất trời. Tôi vẫn cùng chồng và những người bạn chí cốt của anh ấy bôn ba khắp nơi, từ thủ đô Brussels đến những khu rừng già hẻo lánh nằm dọc biên giới ba nước Đức-Bỉ -Luxembourg để tự khám phá và tìm hiểu về cuộc sống của người dân Bỉ từ thành thị đến thôn quê. Trong lúc chờ đợi năm học mới bắt đầu, tôi vào thư viện tìm sách tự học. Suốt 7 năm sau đó, hàng đêm tôi vẫn cắp sách đến trường học tiếng Hà Lan, tiếng Pháp, tiếng Đức... để có thể giao tiếp thoải mái với mọi người. Thế là người dân ở đây chấp nhận và yêu quý tôi thôi".

Được hỏi về phương châm sống của chị hiện nay, chị trả lời ngay, không do dự: "Sống thực, tôn trọng quá khứ và có tầm nhìn tốt về tương lai", chị cười hồn hậu, như để cho câu trả lời của mình "mềm" bớt đi./.

Tin tức (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục