Người anh hùng phá bom

Gặp lại người anh hùng phá bom Mỹ năm xưa

Câu chuyện ông Nông Văn Nghi kể về cuộc đời mình như thước phim quay chậm về những ngày chiến tranh gian khổ nhưng oanh liệt.
“Đã là người lính trong quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có thắng chứ không thua; không được chùn bước trước mọi kẻ thù. Nếu mình có hy sinh thì cũng xứng đáng, coi như mình đã trả một phần công lao nuôi dưỡng của Đảng, nhân dân và quân đội....”

Đó là những lời tâm huyết của ông Nông Văn Nghi một người lính cụ Hồ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Người anh hùng phá bom năm xưa nay đã sang tuổi 72. Câu chuyện ông kể về cuộc đời mình như những thước phim quay chậm về những ngày chiến tranh gian khổ nhưng oanh liệt và vẻ vang của quân và dân Việt Nam.

Ông Nông Văn Nghi sinh năm 1938, dân tộc Tày, quê gốc ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Giữa năm 1945, ông cùng anh trai lưu lạc lên Lạng Sơn và được một gia đình họ Nông ở xã Đào Viên, huyện Tràng Định nhận làm con nuôi.

Năm 1953, ông tham gia quân đội, làm cấp dưỡng, chiến sĩ cảnh vệ đóng quân tại tỉnh Lạng Sơn. Đến năm 1960, ông giữ chức trung đội trưởng và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Tháng 7/1963-6/1965, ông được điều về làm trợ lý Ban huấn luyện Tỉnh đội Lạng Sơn và được cử đi học Trường Quân chính Quân khu Việt Bắc (nay là Quân Khu 1).

Năm 1965, chiến tranh do Mỹ gây ra ngày càng ác liệt trên cả hai miền Nam Bắc. Theo yêu cầu nhiệm vụ lúc bấy giờ, ông được đi học lớp công binh ba ngày tại Quân khu Việt Bắc. Thời gian rất ngắn, rất khẩn trương, mà yêu cầu phải thu được kết quả cao, học cụ thiếu, trình độ văn hóa lại có hạn, nhưng ông vẫn quyết tâm vượt mọi khó khăn tranh thủ học tập không kể giờ giấc.

Tháng 9/1965, trận đánh đầu tiên ông tham gia là trận máy bay Mỹ leo thang bắn phá cầu Sông Hóa. Thời điểm đó con đường từ Lạng Sơn đi về xuôi được xem là con đường huyết mạch, cảng nổi để tiếp nhận các chuyến hàng cứu trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa qua ngả Bằng Tường (Trung Quốc) vào Việt Nam.

Tới nơi bom Mỹ đã làm hỏng cầu Sông Hóa, đường sắt, có 13 quả bom các loại, đang nằm trên mặt đường, dưới lòng đất trong phạm vi xung quanh cầu từ 15-100m. Những quả bom ấy là chướng ngại vật cản trở chuyến tàu, đoàn xe, cản trở người đi lại, đe dọa hơn 300 chuyên gia nước bạn đang giúp sửa đường, cầu.

Các kiến thức ông Nghi được tiếp thu khác xa với những gì mà ông đang chứng kiến. Có nhiều quả thối, phải tận tay tiếp xúc xem nó to, dài thế nào, tháo gỡ ra làm sao, đặt đinh, đột vào chỗ nào... phải tự mình quyết định hết, nếu không cẩn thận thì chỉ cần một tia lửa nhỏ thôi, bản thân ông sẽ biến hành thành trăm, hàng nghìn mảnh.

Suy nghĩ trong giây lát, ông Nghi bắt tay ngay vào việc vô hiêu hóa những quả bom nằm trên mặt đất hoặc sâu dưới lòng đất. Nhìn sang đường sắt, ông Nghi nảy ra sáng kiến dùng đinh bu-lông đường sắt để phá bom. Trong nửa ngày trời, từ 12 giờ trưa đến 12 giờ đêm, không phút nghỉ ngơi, ông Nghi đã một mình "chiến đấu" với 13 quả bom các loại của giặc Mỹ, kịp thời giải phóng giao thông.

Sau vài trận đánh, thành tích phá bom của ông Nghi đã được lãnh đạo tỉnh đội và Quân khu báo cáo lên Bác Hồ và được Bác gửi tặng cho một chiếc đồng hồ mạ vàng. Ông rất vui và luôn giữ kỷ niệm của Bác bên mình như một báu vật để nhắc nhở bản thân phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa trong mọi nhiệm vụ được giao. Tháng 2/1967, ông Nghi được đi học bổ túc văn hóa lớp 5, 6. Trong quá trình học tập, ông luôn được biểu dương về thành tích học tập, lao động, là đảng viên bốn tốt.

Thực hiện lệnh của thủ trưởng, ông Nghi cùng tổ công tác đã tiến hành mở 12 lớp hướng dẫn cho gần 6.200 người là thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, cán bộ, đơn vị bộ đội về cách tháo, phá bom điện, bom nổ chậm.

Trong vòng ba năm từ 1965-1968, ông Nông Văn Nghi đã tham gia chiến đấu hơn 60 trận và phá được hơn 2.600 quả bom các loại. Ngày 25/8/1970, đã trở thành kỷ niệm đẹp trong cuộc đời binh nghiệp của ông khi được Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau 33 năm phục vụ trong quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường với cấp bậc trung tá, người anh hùng ấy luôn biết phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong mọi lĩnh vực hoạt động công tác tại cơ sở.

Ông Phạm Văn Dung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc nhận xét: “Ông Nghi là một tấm gương sáng, xứng đáng để chúng tôi và thế hệ trẻ ngày nay học tập. Từ năm 1991 khi về cư trú tại địa phương, gia đình ông luôn gương mẫu chấp hành các chính sách của Đảng và Nhà nước, bản thân ông khi tham gia cấp ủy, chính quyền tại địa phương, luôn là một cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhiệt huyết và vẫn giữ được tác phong của người lính cụ Hồ”./.

Mạnh Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục