Gặp người hơn 20 năm sưu tầm xây dựng bảo tàng đá ở Đồng Nai

Hơn 2.000 mẫu đá, trong đó có mẫu đá niên đại khoảng 150 triệu năm đã được ông Châu Chí Hùng (Đồng Nai) sưu tầm trong suốt hơn 20 năm.
Gặp người hơn 20 năm sưu tầm xây dựng bảo tàng đá ở Đồng Nai ảnh 1Công cụ lao động bằng đá của người tiền sử ở Hà Giang,. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hơn 2.000 mẫu đá, trong đó có nhiều mẫu chưa định danh đã được ông Châu Chí Hùng (54 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) sưu tầm trong suốt hơn 20 năm.

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm căn nhà được thiết kế như một “bảo tàng” rộng khoảng 3.000m2, nơi ông Hùng sinh sống đó chính là đá. Từ góc bàn, kệ tủ, đến khu vườn, đâu đâu cũng có đá.

Ông Hùng cho biết: “Hơn 20 năm nay, hết nơi này đến nơi khác, hễ cứ nghe đến đá là tôi đi. Hầu như khắp mọi miền Tổ quốc tôi đều đã đặt chân đến để tìm và sưu tầm đá. Những hòn đá vô tri, đối với nhiều người dân, đó là những vật không có giá trị. Nhưng với tôi, đá là sự sống, đá cho tôi niềm đam mê khám phá và càng khám phá càng thú vị.”

Cầm trên tay mẫu đá ốc hoá thạch, ông Hùng chia sẻ đây là mẫu hoá thạch đã được định danh và công bố niên đại. Mẫu ốc hoá thạch ông Hùng tìm được ở vùng núi Tây Nguyên có niên đại khoảng 150 triệu năm cùng giai đoạn của kỷ nguyên của loài khủng long.

Trong “bảo tàng” đá của ông Hùng còn có rất nhiều mẫu hoá thạch, như gỗ hoá thạch, trai hoá thạch, ốc hoá thạch. Trong đó mẫu cá hoá thạch được coi là rất có giá trị. Mẫu đá này có trọng lượng khoảng hơn 1kg, kích thước to hơn 2 nắm tay người lớn. Trên đó còn nguyên vẹn hình thù một con cá gồm các bộ xương, đuôi và đặc biệt phần đầu của con cá có màu hồng ngọc.

Ông Hùng cho biết, mẫu cá hoá thạch này có niên đại khoảng 180 triệu năm. Hiện mẫu đá này cũng đã được định danh với đầy đủ các thông tin về khoa học.

Trong “bảo tàng” để chứa đá của ông Hùng có hàng ngàn mẫu vật đá. Có những khối đá còn nguyên sơ với vẻ bên ngoài xù xì, gồ ghề. Cũng có những loại đá đã được chế tác thành hình và đánh bóng.

Dẫn chúng tôi đến một xưởng chế tác đá, ông Hùng cho biết có những khối đá nặng hàng tấn đã được ông cất công lặn lội lên Tây Nguyên mua về. Sau khi được đánh bóng, khối đá nổi lên nhiều màu sắc lung linh huyền ảo rất đẹp mắt.

Ông Hùng nói, tất cả các mẫu đã được ông sưu tầm đem về đều được ghi chép cẩn thận, sau đó tra cứu các danh mục để phân loại đá rồi đặt lên những kệ đá trong khắp vườn nhà.

Với hơn 20 năm tìm và sưu tầm đá, hiện ông Hùng đã in một đầu sách về đá. Ngoài ra ông cũng đã nghiên cứu và phân loại được hàng ngàn loại đá với đầy đủ cấu tạo hóa học, lý học và xuất xứ.

Mới đây, ông Hùng phát hiện trong bộ sưu tập đá hơn 2.000 mẫu mà ông sưu tầm, có một mẫu đá trọng lượng khoảng 6kg có khả năng tự phát sáng. Khi đưa cục đá vào trong vùng tối, đá phát ra ánh sáng màu xanh ngọc lung linh.

Ông Hùng cho biết khi có những thông tin về đá phát sáng, nhiều người từ khắp nơi đến ngỏ lời mua với giá gần 1 tỷ đồng, nhưng ông vẫn không bán. “Số tiền đó là quá lớn, nhưng đối với tôi, nếu một mẫu đá mất đi là cảm giác mất đi một điều gì đó lớn lao.”

Chia sẻ về dự định tiếp theo của mình, ông Hùng nói vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm và sưu tầm đá với mong muốn có một bảo tàng đá đúng nghĩa để phục vụ người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên đến tìm hiểu, nghiên cứu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục