Gặp người mẹ quét dọn mộ liệt sĩ Truông Bồn

Bên mộ 13 liệt sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn, trong ánh chiều tà, một bà mẹ với cái lưng còng tuổi tác và đôi tay nhăn đậm màu thời gian đang cặm cụi quét dọn cho phần mộ của các anh, các chị.

Bên mộ 13 liệt sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn, trong ánh chiều tà, một bà mẹ với cái lưng còng tuổi tác và đôi tay nhăn đậm màu thời gian đang cặm cụi quét dọn cho phần mộ của các anh, các chị.

Đã gần 20 năm nay, mẹ Nguyễn Thị Vinh, 86 tuổi, tự nguyện làm công việc này, với tâm niệm “các con là con nhà nước, từ khắp nơi tụ hội về đây, nay là con của mẹ…”

Nhà mẹ Vinh nằm sát bên khu tưởng niệm 13 Liệt sĩ Truông Bồn, trên tuyến đường 15A đoạn chạy qua xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là "túi bom," là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ nhằm cắt đứt tuyến vận chuyển vận tải chiến lược của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Riêng trong giai đoạn từ tháng 6-10/1968, giặc Mỹ đã trút xuống đây gần 3.000 trái bom các loại cùng hàng trăm tên lửa, nhằm hủy diệt mọi mầm sống trên mặt đất.

Đối đầu với bom đạn là các chàng trai, cô gái thuộc Đại đội 317 thanh niên xung phong Nghệ An. Họ đến đây từ Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu…với tinh thần “Tim có thể ngừng đập, nhưng đường không bao giờ tắc”; “Gãy cầu như gãy xương, đứt cầu như đứt ruột”... ngày đêm bám trọng điểm, san lấp hố bom, thông đường cho xe ra tiền tuyến.

Ngày định mệnh

4 giờ sáng ngày 31/10/1968, sau trận bom kinh thiên động địa, mặt đường bị băm nát. Tiểu đội “Thép” không chờ khói bom lắng xuống, lao ra mặt đường. 6 giờ 10 phút, công việc sắp hoàn thành, bỗng còi báo động rú lên. Chưa dứt tiếng còi, tiếng máy bay phản lực đã rít trên đầu cùng hàng loạt bom với gần 300 trái bom trút xuống Truông Bồn.

Cả đoạn đường chìm trong khói lửa. 11 cô gái và 2 chàng trai đã vĩnh viễn ra đi. Người trẻ nhất mới 17. Người lớn tuổi nhất cũng chỉ 22. Có tới 7 người trong số họ không còn một mảnh thi thể.

Trước đó, 8 người trong số họ đã được cho nghỉ phép. Có người đang chuẩn bị đám cưới. Có người được về với mẹ. Có người đang cầm trong tay tấm giấy gọi đi học…

Vậy mà họ đã gác lại tình riêng để lo việc chung, cùng đồng đội bám trụ nơi chiến trường khốc liệt và anh dũng ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí.

Thời gian qua mau

Mãi đến năm 1996, Truông Bồn mới được công nhận là di tích lịch sử. Trước đó vài năm, một đài tưởng niệm, nơi đặt phần mộ của 13 liệt sĩ thanh niên xung phong được dựng lên đúng nơi họ đã anh dũng hy sinh. Và cũng từ đó đến nay, mẹ Nguyễn Thị Vinh thầm lặng, cặm cụi từng ngày chăm sóc các anh, các chị như chăm sóc chính những người con của mình.

“Tôi chẳng họ hàng chi với các o, các chú nớ. Nhưng họ đã chết để tôi được sống nên tôi muốn ở đây chăm sóc phần mộ nhỏ này,” đưa đôi bàn tay gầy guộc lau kỹ những dòng chữ trên phiến đá ghi tên các liệt sĩ, mẹ Nguyễn Thị Vinh nói. “Hàng ngày, tôi như luôn thấy các o, các chú về quây quần bên tôi, linh thiêng lắm.”

Rồi mẹ Vinh kể cho chúng tôi nghe chuyện những người liệt sĩ. Lẽ ra, 7 giờ sáng ngày hôm đó, anh Cao Ngọc Hòa, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6 và chị Nguyễn Thị Tâm ở Tiểu đội 2 đã có mặt ở ngôi nhà nhỏ của chị Tâm ở xóm 6, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) để chú rể và họ hàng nhà trai ra mắt và gặp gỡ nhà gái. Đáng lẽ ra, 1 giờ sau đó, chị Đàm Thị Bốn sẽ được xuất ngũ, về bên mẹ già đang ngày đêm chờ ngóng.

Lẽ ra, chỉ một giờ nữa, các chị Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Phan Thị Dung, Vũ Thị Hiên và Nguyễn Thị Phúc sẽ được về nhà, để theo học trường Trung cấp Y tế Nghệ An theo giấy báo nhập học. Vậy mà họ đã mãi mãi ra đi cùng với 5 đồng đội khác là chị Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Đinh Thị Vinh và anh Trần Văn Hạp…chỉ vài giờ trước thời điểm Mỹ thực hiện “ném bom hạn chế miền Bắc.”

Lẫn trong làn gió chiều thổi nhẹ qua những vạt đồi vàng nắng, tiếng mẹ Vinh khoan nhặt đưa chúng tôi về những kỷ niệm bi tráng một thời.

Câu chuyện ghi lại ở Truông Bồn khiến chuyến hành trình của chúng tôi tìm về những địa danh nổi tiếng một thời của đường Trường Sơn huyền thoại, thêm nhiều ý nghĩa./.

Tùng Lâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục