Gặp những "ngự lâm"

Gặp những "ngự lâm" canh giấc ngủ cho Người

Những chiến sỹ mặc quân phục trắng bồng súng đứng nghiêm trước Lăng Bác là hình ảnh thiêng liêng đối với đồng bào cả nước.

Đội Tiêu binh danh dự Đoàn 275 thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được gọi là “đội ngự lâm” có thần kinh thép.

Ba mươi phút trong phòng lạnh 16 độ C hoặc hàng tiếng đồng hồ giữa trời hè bỏng lửa, những tiêu binh làm nhiệm vụ bảo vệ thi hài Bác, đứng gác ở cửa Lăng luôn trong tư thế: “chân chữ V, mắt không chớp, đầu ngay, cổ thẳng, miệng ngậm, cằm thu, ngực nở, bụng thóp, quân dung tươi tỉnh.” Trong những buổi diễn tập, thi thoảng lại có người rơi súng hoặc ngã xỉu.

Người được chọn

Ngày 28/12/1975, bốn tháng sau lễ khánh thành Lăng Bác, Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết về việc tổ chức Đội Tiêu binh danh dự bảo vệ Lăng nằm trong Đoàn 275 thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhiệm vụ mà đội được giao là đảm bảo an ninh, nghi lễ “nghiêm trang, chuẩn mực, tinh thông, nhạy bén” tiêu binh ở cửa chính, bên thi hài Bác, thực hiện lễ chào và hạ cờ hàng ngày giữa Quảng trường Ba Đình.

Được giao trọng trách và thiêng liêng, song đội tiêu binh phần lớn là những chàng “ngự lâm” còn rất trẻ. Ở tuổi mười tám đôi mươi, họ hầu hết là những thanh niên đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, xuất thân đơn giản từ muôn nẻo làng quê, bản mường của đất nước. Dẫu vậy, khoan vội nghĩ “đội ngự lâm” là những người thường.

Không là người xuất chúng nhưng thực sự họ là “nhân trong nhân cốt trong cốt” của lớp thanh niên khi mà cả một làng, một bản, một khu phố, quận huyện… chỉ có một hoặc hai người đủ tiêu chuẩn.

Đại úy Nguyễn Đức Tuấn, Phó đội Tiêu binh danh dự Đoàn 275 tiết lộ với chúng tôi rằng, “người được chọn” vào Đội  Tiêu binh phải qua ba vòng xét tuyển rất khắt khe.

Đầu tiên, khi đã được sàng lọc từ địa phương, họ sẽ được đưa lên Trung tâm huấn luyện Đá Chông, Ba Vì trong ba tháng. Từ dàn “hạt giống” xuất sắc của quá trình rèn luyện này, một lần nữa, lãnh đạo Đội Tiêu binh chọn ra những tiêu binh mới.

Trong mỗi phiên gác, có bốn tiêu binh đứng canh thi hài Bác trong phòng F5 suốt ba mươi phút ở nhiệt độ luôn duy trì 16 độ C. Nơi cửa chính của Lăng, hai tiêu binh đứng gác đối diện nhau suốt một giờ đồng hồ.

Khi khẩu lệnh "Nghiêm, bắt đầu" được phát từ người chỉ huy thì ngay lập tức các tiêu binh vào tư thế "đầu ngay, cổ thẳng, miệng ngậm, cằm thu, ngực nở, bụng thóp, quân dung tươi tỉnh, mắt hạn chế chớp" bất di bất dịch suốt phiên gác.

Sau những buổi tập võ, tập vác súng, đi đều, đi nghiêm thì ai cũng nghĩ rằng tập đứng nghiêm là nhẹ nhàng, nhàn hạ. Chỉ khi trở thành người trong cuộc, trực tiếp tiêu binh trong mỗi phiên gác mới biết đó quả là thử thách gian nan, cần một cơ thể khỏe, sức bền và thần kinh thép.

Tiêu binh Vũ Văn Cương, 20 tuổi, quê Hải Dương tâm sự: “Mùa hè rát bỏng, hai người đứng không nhúc nhích, không cười, không nói chỉ nhìn trừng trừng vào nhau suốt một tiếng đồng hồ, cảm tưởng các dây thần kinh luôn căng hết mức."

Sau phiên gác cửa, nhiều tiêu binh trở thành “chú hề” khi hai bên má hằn một đường hình quai mũ cháy nắng như vết nhọ. Cũng không ít tiêu binh ra khỏi phòng lạnh, hàm răng vẫn lập cập đập vào nhau…

Để duy trì sức bền thì ngoài những phiên gác hàng ngày, các tiêu binh vẫn phải tập luyện tư thế đứng nghiêm tại sân tập với thời lượng gấp đôi, gấp ba...

“Khi tập điều lệnh, ban đầu là nửa tiếng, sau nâng dần lên một, hai giờ rồi đến bốn giờ và kỷ lục đứng nghiêm của khóa chúng tôi là năm giờ. Đứng được hơn một giờ trở đi, thi thoảng lại có người rơi súng hoặc ngã xỉu…,” Cương tâm sự.

Hỏi về mức lương của “đội ngự lâm” khi làm nhiệm vụ đặc biệt  này liệu có được năm, bảy triệu đồng như lời kháo của người đời, các tiêu binh bỗng cười phá lên thích thú...

Mãi sau Đại úy Tuấn mới bộc bạch: “Thực ra, các tiêu binh làm nhiệm vụ chỉ được hưởng theo chế độ nghĩa vụ quân sự mà thôi. Người mới vào được 320 nghìn đồng/ tháng, mức phụ cấp cao nhất dành cho tiêu binh có thâm niên cũng chỉ gần hai triệu đồng.”

"Vinh quang con đứng bên người"

Tiêu binh Bùi Văn Thức, 18 tuổi, quê Hòa Bình, vẫn không thể nào quên được phiên gác đầu tiên trong phòng đặt thi hài Bác: “Hôm đó, tôi đảm nhiệm đứng vị trí số hai, đứng trong phòng Bác nằm. Dù đã cố gắng bình tĩnh và lý trí nhưng toàn thân tôi vẫn run bần bật, tim đập loạn xạ. Bác ở rất gần mà không dám liếc hay nhìn dù chỉ một giây. Đến giờ này, cảm giác bồi hồi, xúc động ấy vẫn còn như in.”

Cũng giống như các tiêu binh trong đội, ngày đầu đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, Thức không hề hay biết số phận đã chọn mình được làm nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng này. Sau ba tháng huấn luyện ở Đá Chông, tối đầu tiên sau phiên gác thi hài Bác, Thức trằn trọc, không sao ngủ được.

“Có chết mình cũng không tin được, đời mình, một người quá nhỏ bé lại có được sự may mắn là ngày ngày được gần gũi, canh giấc cho Bác, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và thế giới.”

Thức bộc bạch: “Gia đình em ở quê khi biết nhiệm vụ em đang làm đã tự hào, hạnh phúc vô cùng. Bố em vẫn viết thư đều và khuyên rằng gần Bác hãy học tập, rèn luyện để sống theo đúng tinh thần Hồ Chí Minh.”

Hay như tiêu binh Bùi Văn Nự thì thỏ thẻ rằng: “Là người duy nhất của làng được tuyển vào Đội Tiêu binh danh dự bảo vệ Lăng Chủ tịch, em trở thành niềm vinh dự cho cả làng. Mỗi lần nghỉ phép về quê, bà con ra đón tận ngoài cổng làng rồi xúm xuýt hỏi chuyện Bác Hồ. Đi qua nhà nào, chỉ cần thấy bóng là mọi người kéo bằng được vào nhà mời chén rượu, ăn một bữa cơm và bảo rằng dân làng bồi dưỡng để có sức, có tâm bảo vệ Bác.”

Riêng Cương, trọn hai năm làm tiêu binh đã làm đủ các vị trí canh gác, bảo vệ  Lăng thì mãi ghi sâu trong tâm trí hình ảnh về một lễ chào cờ đáng nhớ của cuộc đời mình.

“Hồi bé, đến trường mỗi thứ hai đầu tuần cũng được chào cờ, hát Quốc ca sao thấy bình thản.  Vào đội, mang trên mình bộ cảnh phục, đứng giữa Quảng trường Ba Đình giữa sớm tinh mơ, nghe tiếng hô 'chào cờ, nghiêm' tim tôi bỗng giật mạnh, thắt lại trong lồng ngực, mắt cay xè. Trên đầu là lá cờ đỏ tung bay, trước mặt là đông đảo người dân Thủ đô cùng kính cẩn dự nghi lễ mới cảm nhận hết ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng Tổ quốc. "

Với những “ngự lâm” trong đội tiêu binh như Cương, Thức... ngày ngày được làm nhiệm vụ đứng gác, bảo vệ giấc ngủ cho Bác là bước ngoặt trong cuộc đời. Với họ, những phiên gác ngắn ngủi đã trở thành những “trường học” rèn luyện tâm tưởng, ý chí với nhiệm vụ mà Tổ quốc, đồng bào tin tưởng giao thác.

Ngày trở về với gia đình, quê hương, những tiêu binh hồ hởi, tự hào bởi vận may của cuộc đời mình là được trở thành người được chọn đứng gác, bảo vệ  "Mặt trời trong Lăng"./.

Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục