Gặp “Thiên thần của các bãi rác” ở Philippines

“Thiên thần của các bãi rác” là cái tên mới của Walker, sau khi giúp các gia đình thoát cảnh tăm tối bên đống rác khổng lồ ở Manila.
Trong một nhà kho gần bãi rác Smokey Mountain ở thủ đô Manila của Philippines, dưới ánh đèn huỳnh quang lờ mờ và giữa tiếng máy khâu kêu rào rào không nghỉ, khoảng 20 người phụ nữ nghèo đang chăm chú cắt những miếng vải nhỏ, lựa chọn những đồ vật tìm thấy trong đống rác và khéo léo làm nên những chú gấu nhồi bông.

Trong khi đó, một nhóm phụ nữ khác bận rộn với việc thiết kế những chiếc túi xách và ví cầm tay xinh xắn từ lô ống kem đánh răng bỏ đi, hay cắt những tờ tạp chí nhiều màu sắc và gấp từng hạt giấy xâu thành vô số chiếc vòng tay bắt mắt.

Tác giả của các món đồ thời trang làm từ rác thải kể trên là thành viên của Quỹ từ thiện Philippine Christian Foundation (PCF) tại Manila được người phụ nữ Anh Jane Walker thành lập năm 1996.

“Thiên thần của các bãi rác” tại Manila là danh hiệu mà giới truyền thông đại chúng Philippines đặt cho Walker vì những nỗ lực không mệt mỏi của bà mẹ đơn thân 45 tuổi, cựu Giám đốc xuất bản vùng Southampton nhằm giúp các gia đình sống quanh Smokey Mountain thoát khỏi cảnh sống đói nghèo, tăm tối bên đống rác khổng lồ.

Bà Walker tự hào giới thiệu chiếc túi xách này được làm từ tuýp kem đánh răng cũ, có giá khoảng 165 USD hoặc đắt hơn khi được bày bán trong các gian hàng thời trang tại thủ đô London. Tôi đã phải từ chối đơn đặt hàng của ba cửa hiệu ở London do cháy hàng.

Theo bà Walker, khoảng 200 chiếc túi xách “made in PCF” đang được chuyển tới tay những người yêu thích thời trang ở London và PCF dự định ký hợp đồng sản xuất giày và dép mềm đi trong nhà làm từ lốp xe ôtô hỏng cho một công ty của Mỹ.

Thuộc quận Tondo gần vịnh Manila, Smokey Mountain được xem là một trong những biểu tượng của sự nghèo đói ở Philippines - quốc gia Đông Nam Á với 92 triệu dân. Tại đây, những gia đình nghèo sống co cụm quanh một bãi rác khổng lồ - “điểm đến” của hàng tấn rác thải mỗi ngày từ khắp các ngõ ngách ở Manila.

Trước khi bà Walker lập nên PCF, lũ trẻ ở Smokey Mountain thường “theo đuôi” người lớn trong nhà đến cào rác, lục tìm những món đồ có thể bán được cho cửa hàng đồng nát, coi đây là kế sinh nhai hòng kiếm được vài đồng mua đồ ăn thức uống.

Bằng trái tim yêu thương đồng loại và lòng nhiệt tình của mình, bà Walker - thông qua PCF - không chỉ cho ra đời một trường học ở Smokey Mountain mà còn biến một nhà kho bỏ hoang thành trung tâm từ thiện, nơi cho bọn trẻ nghèo những bữa ăn nóng hổi và những trò vui chơi giải trí lành mạnh.

Mọi việc diễn ra thuận lợi cho đến năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nhiều nhà hảo tâm cắt giảm số tiền tài trợ cho PCF, Walker phải tìm cách kiếm tiền giúp quỹ từ thiện của mình đứng vững.

Trong cảnh khó khăn, bà nảy ra sáng kiến biến rác thải thành những món hàng thời trang mà nhà sản xuất không ai khác là những người phụ nữ nghèo nhưng khéo tay ở Smokey Mountain. Từ việc xâu kết nhiều chiếc vòng nhôm thành những chiếc ví xinh xắn, dự án của bà Walker đã được mới rộng với việc cho “ra lò” những chiếc túi đựng máy tính xách tay và túi đeo vai dành cho phụ nữ.

Những sản phẩm thời trang độc đáo của PCF ban đầu được bán cho những người bạn của bà Walker, sau đó “thẳng tiến” tới một cửa hàng thời trang ở khu thương mại Makati ở Manila và chẳng bao lâu vươn đến tận các gian hàng sang trọng ở London.

PCF “ăn nên làm ra” đồng nghĩa với việc khoảng 40 gia đình được quỹ này tuyển dụng trực tiếp trong “mùa nhận đơn đặt hàng”, với mức thu nhập của mỗi gia đình ít nhất là 65 USD/tháng. Người dân nghèo ở Smokey Mountain hồ hởi bởi bao lâu nay “sống cạnh đống rác mà không biết có thể biến rác thải thành tiền”.

Niềm vui với bà Walker không chỉ là mang lại thu nhập cho các gia đình tại Smokey Mountain mà là tạo cho họ một nghề ổn định. Trong tương lai, bà Walker ấp ủ dự định mở một cửa hàng thời trang riêng của PCF ở Manila và tạo ra nhiều sản phẩm kỳ thú từ rác thải ở Smokey Mountain./.

H.H (Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục