GATF hỗ trợ Việt Nam áp dụng hệ thống bảo lãnh thông quan

GATF hỗ trợ Việt Nam cải cách thủ tục hành chính xuất-nhập khẩu

Bảo lãnh thông quan nhằm đảm bảo một cơ chế xử phạt chặt chẽ và là cơ sở giải quyết vấn đề quản lý Nhà nước về hàng hóa.
GATF hỗ trợ Việt Nam cải cách thủ tục hành chính xuất-nhập khẩu ảnh 1Hội nghị công tư toàn thể với cộng đồng thương mại, ngày 11/9. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều bộ ngành chưa sẵn sàng thực hiện những thay đổi trọng yếu đối với các thủ tục tuân thủ hành chính. Đó là một trong những lý do khiến hoạt động cải cách các thủ tục hành chính thương mại trong thời gian qua vẫn còn mang tính hình thức.

Tại Hội nghị công tư toàn thể với cộng đồng thương mại diễn ra ngày 10/9, các chuyên gia và doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ các sáng kiến liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam.

Với chủ đề “Bước kế tiếp trong Tạo thuận lợi Thương mại tại Việt Nam,” đại diện Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF) cùng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân – Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Tổng cục Hải quan tổ chức đã tập trung thảo luận việc cải cách các quy định thương mại và thiết lập một hệ thống thông quan hiện đại, tạo ra một công cụ mới hướng tới sự minh bạch.

GATF hỗ trợ Việt Nam cải cách thủ tục hành chính xuất-nhập khẩu ảnh 2GATF đã lựa chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á tham gia triển khai áp dụng hệ thống bảo lãnh thông quan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước đó, GATF đã công bố một Dự án đột phá nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật với hậu thuẫn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho Tổng cục Hải quan Việt Nam, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm của Bộ Tài Chính và các bộ, ngành tham gia quản lý lĩnh vực thương mại tại Việt Nam.

Dự án có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, trợ giúp Việt Nam hiện đại hóa và cải cách các thủ tục thương mại liên quan đến xuất - nhập khẩu. Cụ thể, Dự án hướng đến việc xây dựng một cơ chế cho phép các bộ ngành tham gia vào công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất - nhập khẩu áp dụng được các phương pháp quản lý rủi ro hiện đại và các thông lệ quốc tế tốt nhất, phối hợp với những quy trình thủ tục được xây dựng và triển khai bởi Tổng cục Hải Quan và Bộ Tài Chính Việt Nam.

Sau quá trình cải cách, Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trong cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh. Báo cáo từ Ngân hàng Thế giới năm 2018, xếp hạng chỉ số hoạt động logistics của Việt Nam đã tăng 25 bậc (so với năm 2016) và xếp thứ 39 trong số 160 quốc gia.

Tuy nhiên, ông Eric Miller cho rằng hoạt động cải cách các thủ tục hành chính vẫn còn mang tính hình thức. Do đó, để thuyết phục các bộ, ngành thực đại hóa các quy trình và thủ tục (thông qua áp dụng công cụ quản lý rủi ro và tuân thủ sau thông quan) cần có một cách tiếp cận mới để tạo nền tảng cho các cải cách trong pháp lý, quy định và thủ tục hành chính.

Đó là hình thức Bảo lãnh Thông quan, một dạng hợp đồng đặc biệt được cung cấp từ một bên bảo lãnh (do Bộ Tài chính phê duyệt) và điều này đảm bảo cho việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

“Bảo lãnh thông quan nhằm đảm bảo một cơ chế xử phạt chặt chẽ và là cơ sở giải quyết vấn đề quản lý Nhà nước về  hàng hóa. Đây cũng là một biện pháp cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các cách tiếp cận mới về phương pháp thực thi luật định, cung  cấp các công cụ răn đe tài chính hiệu quả, ngăn chặn gian lận trong hải quan và thương mại, bán phá giá, trợ cấp, xâm phạm sở hữu trí tuệ và các vi phạm thương mại quốc tế khác,” ông Eric Miller nói.

Hiện, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á được GATF đề nghị tham gia triển khai áp dụng hệ thống bảo lãnh thông quan và Dự án này đã được Chính phủ đồng thuận chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu triển khai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục