Gazprom Neft lạc quan bất chấp cuộc chiến giá với Arab Saudi

Gazprom Neft (Nga) đang ứng phó với tình trạng giá dầu thấp và sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong vài năm tới, thậm chí nếu đối thủ Saudi Arabia tăng sản lượng để thử thách khả năng thích ứng của đối thủ.
Gazprom Neft lạc quan bất chấp cuộc chiến giá với Arab Saudi ảnh 1(Nguồn: ​gazprom-neft).

Theo công ty dầu mỏ Gazprom Neft (Nga), các doanh nghiệp năng lượng của Xứ sở Bạch dương đang ứng phó với tình trạng giá dầu thấp và sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong vài năm tới, thậm chí nếu đối thủ Saudi Arabia tăng sản lượng để thử thách khả năng thích ứng của các đối thủ.

Gazprom Neft - công ty sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba nước Nga thuộc sở hữu của "gã khổng lồ" về năng lượng Gazprom, có mức tăng vể sản lượng dầu mỏ nhanh nhất.

Theo Gazprom Neft, do tình trạng dư cung và phát triển công nghệ nên giá dầu có thể tiếp tục ở trong biên độ khoảng 30-40 USD/thùng trong một thời gian dài như thời kỳ trước thập niên 2000.

Một số dự án khai thác và sản xuất dầu khí sẽ không thể tồn tại với mức giá thấp như trên song hầu hết không ở Nga - quốc gia có các mỏ dầu có thể ứng phó thậm chí khi giá dầu mỏ chỉ ở mức 20-35 USD/thùng, thấp hơn nhiều con số tương ứng tại Mỹ, Bắc cực hay các mỏ lớn ở ngoài khơi.

Hiện nguồn thu bằng đổng ruble của các doanh nghiệp dầu khí Nga tăng lên nhờ đồng USD mạnh lên so với đồng ruble. Ngày 20/8, lần đầu tiên trong vòng sáu tháng qua, đồng ruble của Nga đã giảm giá xuống còn 75 ruble = 1 euro.

Đồng ruble cũng giảm xuống còn 67,44 ruble đổi được 1 USD, mức thấp nhất so với đồng bạc xanh kể từ hồi tháng Hai. Như vậy, đồng nội tệ Nga đã mất giá hơn 20% so với USD trong vòng hai tháng qua, làm dấy lên mối quan ngại về sự ổn định của đồng ruble sau một thời gian tương đối hồi phục.

Đồng ruble từng mất tới 1/2 giá trị hồi năm 2014, song đã hồi phục nhẹ nhờ giá năng lượng bình ổn trong năm 2015, cho phép các quan chức Nga tự tin tuyên bố giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế tại nước này đã qua. Tuy nhiên, sự trượt giá trở lại của đồng ruble thời gian gần đây, bắt nguồn từ việc giá dầu giảm, một lần nữa khiến người ta lo ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục