Ghập ghềnh đưa điện lưới lên vùng cao Tây Bắc

Đem ánh sáng điện đến với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, nơi chỉ có trập trùng núi non, đèo dốc là một công việc khó khăn, ghập ghềnh vất vả.
Những ngày đầu tháng 8, thời tiết của vùng cao Tây Bắc "đỏng đảnh” như tính nết cô gái mới lớn. Lúc nắng gắt, lúc mây đen nặng trĩu bầu trời, rồi những cơn mưa bất ngờ tuôn xối xả.

Phải vất vả lắm, xe chúng tôi mới vượt qua được hơn 32km của con đèo dài nhất miền Bắc. Đèo Pha Đin ngoằn ngoèo, chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm... Đem ánh sáng điện đến với đồng bào các dân tộc nơi đây vất vả đến nhường nào.

Với đặc thù là một tỉnh miền núi, Sơn La có diện tích rộng tới trên 14.000 m2, trong đó 80% diện tích là đồi núi có độ dốc lớn, lại bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, kết cấu hạ tầng chưa phát triển, dân cư sống rải rác, rất khó khăn cho việc phát triển nguồn và kinh doanh bán điện. Đây là một trong những tỉnh được đánh giá có địa hình hiểm trở nhất cả nước.

Toàn tỉnh có 61 bản nằm dọc 250km đường biên với Lào, 100% là dân tộc thiểu số, chủ yếu là H'Mông, Khơ Mú, Xinh Mun; điều kiện thi công các dự án điện rất khó khăn. Không những thế, suất đầu tư cho lưới điện nông thôn ở đây cũng rất lớn.

Giám đốc Điện lực Sơn La Lê Quang Thái đưa con số cho thấy có những bản thuộc xã biên giới với Lào như Phiêng Pằn (huyện Mai Sơn), suất đầu tư cho lưới điện ở đây lên tới 80 triệu đồng/hộ, gấp 4 lần so với suất đầu tư cho một hộ dân ở miền núi.

Chưa kể sau khi đầu tư xây dựng, đưa vào quản lý vận hành cũng khó khăn không kém do địa hình hiểm trở, sản lượng điện quá thấp, chi phí quản lý, vận hành lưới điện đối với khu vực miền núi cao và mức độ nguy hiểm đối với  công nhân rất lớn.

Với 88 xã đặc biệt khó khăn, Sơn La còn có 2 vùng trọng điểm tái định cư do ảnh hưởng của thuỷ điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La, trong đó, việc cấp điện cho các xã tái định cư của thủy điện Hòa Bình được thực hiện từ năm 1988 nhưng đến thời điểm này vẫn còn 1 số bản của xã Tân Hợp (huyện Mộc Châu), Chiềng Hoa (huyện Mường La) chưa có điện.

Điện lực Sơn La đã lập dự án đầu tư đưa điện về những xã này nhưng đến nay vẫn chưa có tiền để triển khai. Tỉnh cũng giao cho Điện lực Sơn La làm chủ đầu tư dự án đưa điện về các khu tái định cư thủy điện Sơn La.

"Theo tiến độ, hết năm 2009 sẽ di chuyển toàn bộ gần 13.000 hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của dự án thuỷ điện lớn nhất cả nước. Và như vậy, cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ số hộ dân này sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia vào cuối năm nay", ông Thái khẳng định.

Giống như Sơn La, địa hình Điện Biên chủ yếu là rừng, núi cao và dốc, xen với nhiều thung lũng hẹp, cao nguyên nhỏ, sông suối, với 360km đường biên giới giáp Lào và 40,8km đường biên giới giáp Trung Quốc nên việc đưa điện về các thôn bản vùng cao, vùng biên giới ở đây cũng khó khăn không kém.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đưa điện về phục vụ đời sống văn hóa - xã hội của nhân dân các dân tộc tại đây, từ chỗ chỉ sử dụng nguồn phát điện chính là điêzen và thủy điện nhỏ, đến nay, Điện Biên đã đưa điện lưới quốc gia tới 100% huyện, thị.

Dự kiến đến hết năm nay, 92/112 xã, phường, thị trấn với 72% số hộ dân sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia. Đối với các xã đầu tư lưới điện từ nguồn 135, hay các nguồn khác, tỉnh thực hiện đến đâu, bàn giao cho Điện lực tỉnh quản lý đến đó.

"Tỉnh này còn hoàn thành chương trình đưa điện về 3 xã nghèo Pú Nhi, Phì Nhừ của huyện Điện Biên Đông và Mường Nhà (huyện Điện Biên)", Giám đốc Điện lực Điện Biên Lê Văn Hay nói.

Điện Biên cũng có 56 xã trong dự án đưa điện về các thôn bản theo chủ trương của Chính phủ. Theo đó, tỉnh được vay 15 triệu USD của Ngân hàng Phát triển châu Á để tăng khả năng cấp điện cho các xã này, bình quân 48 triệu đồng/hộ (chưa kể giải phóng mặt bằng). Hiện tỉnh chỉ còn 8 xã trắng chưa có điện cũng như chưa có dự án thuộc huyện Mường Nhé. Đây là những xã mới thành lập, chủ yếu là dân di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc về.

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay, điện lưới quốc gia đã đến được 100% huyện, thành phố, hơn 98% số xã ở Sơn La với 73% số hộ được sử dụng điện. Hiện chỉ còn 3 xã mới là Tân Xuân (huyện Mộc Châu), Háng Đồng và Hua Nhàn (huyện Bắc Yên) chưa có điện lưới quốc gia.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho các phụ tải trong toàn tỉnh, Điện lực Sơn La còn chịu trách nhiệm cấp điện an toàn, liên tục cho khu vực công trường thi công xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La; các khu, điểm tái định cư thuộc dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình...

Cái được lớn nhất của việc tiếp nhận lưới điện nông thôn Sơn La về ngành điện quản lý theo như lời Giám đốc Điện lực Sơn La nói là được người dân ủng hộ nhiệt tình, trong đó, có vai trò quan trọng của chính quyền huyện, xã.

Nhưng bên cạnh đó là khó khăn tổn thất điện năng ở các xã đã tiếp nhận rất cao (23,7%) do lưới điện cũ nát, bán kính cấp điện sau trạm biến áp quá lớn. Để giảm tổn thất điện năng, căn cứ vào hiện trạng lưới điện từng xã, bản, Điện lực Sơn La đã trình Công ty Điện lực 1 dự án đầu tư tối thiểu, nâng cao chất lượng điện cho số xã vừa tiếp nhận với tổng mức đầu tư 10,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, áp giá đúng đối tượng theo biểu giá điện Chính phủ quy định và nâng giá bán bình quân.

Hiện Điện lực Sơn La đứng thứ 4 trong 24 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Bắc Trung bộ về giá bán bình quân cao (946 đồng/kWh) do đã bán điện trực tiếp đến tất cả các hộ tiêu dùng trong toàn tỉnh.

Trời vẫn mưa tầm tã. Thế mà trưởng bản Huội Của, xã Viêng Lán, Yên Châu (Sơn La), ông Lừ Văn Chương vẫn đội mưa phóng xe máy tới Chi nhánh điện Yên Châu. Mong mỏi của ông là được đón cán bộ ngành điện về bản để đo đạc, triển khai sớm dự án đầu tư 1 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 1,3km đường trục.

Dự án này đã được Công ty Điện lực 1 đầu tư bằng nguồn sửa chữa lớn. Hiện dân trong bản Huội Của đã chuẩn bị sẵn sàng về giải phóng mặt bằng. "Đây là một thời cơ phải tận dụng chứ? Bản sẽ góp gạo, rượu cần và thịt dê, cùng với công nhân chi nhánh liên hoan mừng công trình khi hoàn thành", Trưởng bản Lừ Văn Chương hồ hởi nói./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục