Ghé thăm làng đan lọp Thới Long tại thành phố Cần Thơ

Khoảng tháng 5-10 Âm lịch hàng năm, làng đan lọp ở phường Thới Long, quận Ô Môn, Cần Thơ lại hoạt động nhộn nhịp để cung cấp lọp cho người dân ĐBSCL đánh bắt thủy sản mùa nước nổi.
Ghé thăm làng đan lọp Thới Long tại thành phố Cần Thơ ảnh 1Lọp là dụng cụ để bắt cá, lươn, ếch… của ngư dân Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa nước nổi. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Vào khoảng từ tháng Năm đến tháng 10 Âm lịch hàng năm, làng đan lọp ở phường Thới Long, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ lại hoạt động nhộn nhịp để cung cấp lọp (dụng cụ bắt cá, tôm, tép…) cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long đánh bắt thủy sản vào mùa nước nổi.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Kim Y, 73 tuổi, là một trong những người có thâm niên làm nghề đan lọp ở khu vực Thới Mỹ, phường Thới Long để tìm hiểu về nghề độc đáo này.

Ông Lê Kim Y kể rằng, từ hồi xưa cha ông làm lọp để bắt cá ăn cho gia đình nhưng sau đó nhiều người làm và dần dần người dân các vùng khác đến đặt hàng. Cứ như thế, làng lọp Thới Long đã trở thành nơi cung cấp sản phẩm cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ để đánh bắt thủy sản.

Hiện nay, làng Thới Long làm các sản phẩm lọp rất chất lượng và phong phú như lọp bắt tép, lọp bắt cá, lọp bắt lươn…

Đi dọc theo con đường dẫn vào làng, chúng tôi bắt gặp nhà thì chẻ nan, nhà thì đan vành, nhà thì có người bện hom… Mỗi gia đình làm một công đoạn được phân chia rõ ràng.

Ông Y chia sẻ về công việc đan lọp của làng: "Tùy vào mỗi công đoạn khác nhau để định giá tiền sản phẩm cho người thợ. Ví dụ như công đoạn bện nắp khoảng 70.000 đồng/100 cái; bện hom khoảng 100.000 đồng/100 cái hom; chẻ nan và vót nan: 9.000 đồng/thiên (một thiên bằng 1000 cái nan)…

Ghé thăm làng đan lọp Thới Long tại thành phố Cần Thơ ảnh 2Nguyên liệu làm lọp là bằng tre. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Ghé thăm làng đan lọp Thới Long tại thành phố Cần Thơ ảnh 3Chẻ những chiếc nan tre là công đoạn đầu tiên để làm lọp. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Ghé thăm làng đan lọp Thới Long tại thành phố Cần Thơ ảnh 4Dụng cụ và nguyên liệu làm lọp đơn giản gồm: kìm, dây buộc và các thanh tre. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Ghé thăm làng đan lọp Thới Long tại thành phố Cần Thơ ảnh 5Công đoạn bện nắp lọp. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Ghé thăm làng đan lọp Thới Long tại thành phố Cần Thơ ảnh 6Nắp của chiếc lọp là công đoạn khó nhất, miệng nắp phải thiết kế khi cá tôm bơi vào trong lọp mà không thể bơi ra được. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Ghé thăm làng đan lọp Thới Long tại thành phố Cần Thơ ảnh 7Thân lọp được ghép từ những thanh tre thành hình tròn, có mắt nhỏ để khi cá tôm vào trong không lọt được ra ngoài. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Ghé thăm làng đan lọp Thới Long tại thành phố Cần Thơ ảnh 8Ở làng Thới Long, mỗi gia đình đều có sự chuyên môn hóa riêng biệt làm từng công đoạn của chiếc lọp. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Ghé thăm làng đan lọp Thới Long tại thành phố Cần Thơ ảnh 9Mặt sau của chiếc lọp được làm cửa chốt để sau khi tôm cá vào trong thì mở chốt thu hoạch rồi có thể tái sử dụng. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Ghé thăm làng đan lọp Thới Long tại thành phố Cần Thơ ảnh 10Mỗi năm, làng lọp Thới Long sản xuất hơn 500.000 sản phẩm. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Ghé thăm làng đan lọp Thới Long tại thành phố Cần Thơ ảnh 11Làng lọp Thới Long cung cấp sản phẩm cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ để đánh bắt thủy sản vào mùa nước nổi. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Ghé thăm làng đan lọp Thới Long tại thành phố Cần Thơ ảnh 12Những chiếc lọp được người dân Đồng bằng sông Cửu Long thả vào mùa nước nổi để bắt cá tôm. (Ảnh: Đặng Kim Phương)

Nhìn cái lọp là vật dụng đơn giản, nhưng người thợ làng Thới Long phải tính toán đồng bộ kích cỡ các vật liệu để khi hoàn thành sản phẩm, chiếc lọp vừa đúng kỹ thuật, vừa đẹp, chất lượng tốt.

Mỗi năm, làng lọp sản xuất hơn 500.000 sản phẩm. Ngoài Cần Thơ, khắp các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, An Giang, Sốc Trăng, An Giang… cho đến vùng hồ thủy điện Trị An ở Đồng Nai đều sử dụng lọp Thới Long để đánh bắt thủy sản.

Trải qua nhiều thăng trầm, làng lọp Thới Long không còn hưng thình như xưa. Cách đây chục năm, làng lọp có đến gần 300 hộ làm nghề, nhưng giờ đây chỉ còn 10 hộ bám trụ.

Nguyên nhân chính là mấy năm gần đây, lũ về chậm hoặc không về Đồng bằng sông Cửu Long nên lượng thủy sản giảm sút, sức tiêu thụ lọp giảm dần khiến cho nhiều gia đình chuyển sang nghề khác./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục