Giá cổ phiếu ngành ngân hàng được kỳ vọng cao hơn nhiều so với khu vực

'Tăng trưởng tín dụng và cơ sở tín dụng thấp hơn vào cuối năm 2018 có thể gây tác động bất lợi đến thu nhập của ngành ngân hàng sang năm 2019.'
Giá cổ phiếu ngành ngân hàng được kỳ vọng cao hơn nhiều so với khu vực ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đánh giá triển vọng đầu tư của nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức, Công ty chứng khoán Sài Gòn dự báo, chỉ số ROE [lợi nhuận trên vốn] của nhóm ngành ngân hàng kỳ vọng sẽ ổn định quanh mức 15%-18% trong giai đoạn 2018-2020.” 

- Chỉ thị số 04/2018 của Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối của năm, theo bà điều này sẽ tác động như thế nào đến kết quả kinh doanh của ngành?

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh: Tại Chỉ thị số 04/2018, Ngân hàng Nhà nước ra tuyên bố rất rõ ràng, không phê duyệt bất kỳ đề xuất nào về các hạn mức tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém). Bên cạnh đó, các ngân hàng được yêu cầu, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên đồng thời kiểm soát chặt chẽ tại các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông...).

Thông lệ trước đây, Ngân hàng Nhà nước thường cấp hạn ngạch tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng từ đầu năm. Sau đó về nửa cuối của năm, họ sẽ xem xét tiến độ và trong một số trường hợp sẽ được phép mở rộng thêm tín dụng.

Tuy nhiên năm nay, các quy ước từ những năm trước sẽ không được thực hiện với quan điểm chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Điều này sẽ tác động tới cổ phiếu của ngành ngân hàng. Cụ thể, những ngân hàng đã có mức tăng trưởng tín  dụng cao trong 6 tháng đầu năm có thể phải kiểm soát mức dư nợ ở nửa cuối của năm. Quá trình này sẽ mang lại lợi thế cho những ngân hàng có cơ sở vốn mạnh. 

- Với những tác động đó, triển vọng đầu tư trong nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng ra sao?

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh: Tăng trưởng tín dụng và cơ sở tín dụng thấp hơn vào cuối năm 2018 có thể gây tác động bất lợi đến thu nhập của ngành sang năm 2019. Bên cạnh đó, chính sách điều hành trường tiền tệ có phần thắt chặt sẽ dẫn đến sự gia tăng lãi suất tiền gửi khiến chi phí toàn ngành có thể tăng nhẹ trong năm sau. 

Nhưng điều này lại có lợi cho các ngân hàng huy động vốn thành công trong thời gian gần đây, như ngân hàng HD Bank (HDB), VPBank (VPB), Techcombank (TCB), TPBank (TPB). Ngoài ra, các ngân hàng có vốn đầu tư lớn như ACB và Ngân hàng Quân đội (MBB) nhiều khả năng tăng thị phần trong bối cảnh tất cả các ngân hàng đang nỗ lực lớn trong việc huy động vốn để chuẩn bị cho tiêu chuẩn Basel II vào năm 2020. 

Song, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm lạc quan trong lĩnh vực ngân hàng khi báo cáo tài chính sáu tháng cho thấy lợi nhuận trước thuế của ngành có tăng trưởng mạnh 54%/năm. Từ đó, chúng tôi đề xuất mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2018 và năm 2019 là 40,5% và 22,4%, trong đó các ngân hàng có mức tăng trưởng là HDB, BIDV (BID), ACB, TCB, VPB và MBB.

Hơn thế nữa, việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt quản lý rủi ro, chắc chắn sẽ thúc đẩy chất lượng ngành ngân hàng được cải thiện trong 3 năm đến 5 năm tới, tuy nhiên mức tăng trưởng lợi nhuận có thể sẽ thấp hơn trong ngắn hạn và trung hạn. Trong dài hạn, kế hoạch tái cấu trúc các tổ chức tín dụng đã phát huy hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống sẽ giảm về mức 3% (năm 2020) khi mà tỷ lệ này đã giảm từ 12,4% (năm 2015) xuống 8,4% (năm 2016) và 7,5% (năm 2017)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục