Biến động trái chiều

Giá dầu biến động trái chiều trên các thị trường

Giá dầu thô biến động trái chiều trên các thị trường khi giới đầu tư chịu sự chi phối từ lạc quan hạn chế về đà phục hồi kinh tế.
Giá dầu thô biến động trái chiều trên các thị trường New York và London phiên 14/9 và thị trường châu Á phiên 15/9, khi tâm lý giới đầu tư chịu sự chi phối từ những lạc quan hạn chế về đà phục hồi kinh tế toàn cầu, trong khi những lo ngại về tình trạng hỏng hóc của một tuyến dẫn dầu quan trọng đã dịu bớt.

Tại New York cuối phiên 14/9, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 10/2010 giảm 39 xu xuống 76,80 USD/thùng; còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc lại tăng 13 xu lên 79,16 USD/thùng.

Ngày 14/9, Bộ Thương mại Mỹ công bố các số liệu cho thấy doanh số bán lẻ tháng 8/2010 của nước này đã tăng trong tháng thứ hai liên tiếp lên 364 tỷ USD, tăng 0,4% so với tháng trước đó và cao hơn chút ít so với dự đoán của hầu hết các chuyên gia phân tích.

Jason Schenker thuộc Prestige Economics, nhận xét những số liệu này là khá tốt, cho nên việc giá dầu tại New York giảm là một điều hơi bất ngờ.

Thị trường dầu mỏ nhận được sự hỗ trợ sau khi đường ống dẫn dầu Enbridge, vốn là tuyến đường vận chuyển 670.000 thùng/ngày hay 1/3 lượng dầu xuất khẩu của Canada sang khu vực trung tâm phía Bắc của Mỹ, bị tạm thời đóng cửa do rò rỉ.

Tuy nhiên, nỗi lo này dường như đã không còn, sau khi công ty vận hành tuyến đường ông này thông báo công tác sửa chữa hầu như đã hoàn tất. Điều này đã gây sức ép làm giảm giá dầu tại châu Á trong phiên 15/9.

Tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 10/2010 đã giảm 51 xu xuống 76,29 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn giảm năm xu xuống 79,11 USD/thùng.

Về phần mình, nhà phân tích đầu tư Ong Yi Ling thuộc công ty Phillip Capital cho rằng giá dầu sẽ phục hồi rất nhanh do triển vọng kinh tế đã sáng sủa hơn. Theo bà, việc sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng mạnh cùng với những sự cam đoan rằng Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái kép là một tin tốt đối với giá dầu.

Mỹ và Trung Quốc là hai nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục