Giá dầu biến động trái chiều trên các thị trường

Giá dầu biến động bất nhất tại Mỹ và châu Âu phiên 4/10 và thị trường châu Á phiên 5/10, do chịu tác động của nhiều luồng thông tin.
Giá dầu biến động bất nhất trên thị trường Mỹ và châu Âu phiên 4/10 và thị trường châu Á phiên 5/10, do chịu tác động của nhiều luồng thông tin.

Trong phiên 4/10, thị trường Mỹ và châu Âu có những phản ứng khác nhau trước báo cáo của Iraq cho rằng sự gia tăng trong trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh đã đưa nước này trở thành nước nắm giữ lượng dầu thô lớn thứ ba thế giới.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11/2010 tại New York tăng 11 xu lên 81,47 USD/thùng, sau khi có lúc vọt lên 82,38 USD/thùng - mức cao nhất trong gần hai tháng; còn giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn giảm 47 xu xuống 83,28 USD/thùng.

Ngày 4/10, Iraq cho biết nước này tin rằng họ có thể khai thác 143,1 triệu thùng dầu từ lớp vỏ Trái Đất, tăng 24% so với 115 thùng trữ lượng đã được chứng minh trước đây. Con số này đã đưa Iraq trở thành nước có trữ lượng dầu thô lớn thứ ba thế giới, sau Arập Xêút và Venezuela.

Bước sang ngày 5/10 tại châu Á, giá các loại dầu thô cũng chịu ảnh hưởng khác nhau từ sự lên giá của đồng USD và đà mất điểm trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Tại Sàn giao dịch điện tử Singapore phiên giao dịch buổi chiều, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11/2010 tăng 17 xu lên 81,64 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn lại giảm 7 xu xuống 83,21 USD/thùng.

Tại Tokyo, đồng USD đã tăng từ 83,38 yen cuối phiên trước tại New York lên 83,67 yen, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra các biện pháp mới nhằm kích thích tăng trưởng của nền kinh tế.

Đồng USD mạnh lên khiến khiến giá dầu tính bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác, theo đó làm giảm nhu cầu và đẩy giá đi xuống./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục