Giá dầu châu Á đi xuống do nhu cầu tại Trung Quốc suy giảm

Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên chiều 8/6 do nhu cầu dầu mỏ tại Trung Quốc đi xuống trong khi sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục gia tăng.
Giá dầu châu Á đi xuống do nhu cầu tại Trung Quốc suy giảm ảnh 1Cơ sở khai thác dầu trên đảo Bukom, ngoài khơi Singapore ngày 19/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên chiều 8/6 do nhu cầu tại Trung Quốc đi xuống trong khi sản lượng của Mỹ tiếp tục gia tăng.

Tại thị trường Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 53 xu Mỹ (0,7%) xuống 76,79 USD/thùng vào lúc 13 giờ 54 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 38 xu Mỹ (0,6%) xuống 65,57 USD/thùng.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng Năm đã giảm so với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng trước, khi các nhà máy lọc dầu của nước này bắt đầu tiến hành bảo trì theo kế hoạch. Theo các số liệu thống kê chính thức, lượng dầu nhập vào Trung Quốc trong tháng Năm đạt 39,05 triệu tấn, tương đương 9,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với mức 9,6 triệu thùng/ngày trong tháng Tư.

[Giá dầu tăng tại châu Á do khả năng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm]

Một yếu tố khác ảnh hưởng tới giá dầu là việc sản lượng khai thác của Mỹ đã đạt kỷ lục mới vào tuần trước, đạt mức 10,8 triệu thùng/ngày.

Con số trên tương đương mức tăng trưởng 28% trong hai năm. Điều này khiến Mỹ gần như trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, khi sản lượng của nước này đang ngày càng tiến sát mức sản lượng 11 triệu thùng/ngày của Nga.

Song sự gia tăng sản lượng khai thác dầu ở Mỹ đã làm giá dầu WTI giảm so với giá dầu Brent, khiến mức chênh lệch giữa hai loại dầu lên tới hơn 11 USD/thùng - mức cao nhất kể từ năm 2015 tới nay.

Trong khi đó, mặc dù đi xuống trong phiên giao dịch ngày 8/6, giá dầu Brent hiện vẫn cao hơn 15% so với mức giá đầu năm nay.

Thị trường đang ngày càng thắt chặt bởi sự cố nguồn cung ở Venezuela, do tập đoàn dầu mỏ quốc doanh PDVSA của nước này đang chật vật để chuyển 24 triệu thùng dầu thô tới khách hàng.

Bên cạnh đó, giá dầu Brent cũng được hỗ trợ bởi chương trình cắt giảm sản lượng do các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bao gồm cả Nga, tiến hành từ năm 2017.

Các quốc gia OPEC và Nga sẽ nhóm họp ở trụ sở chính của tổ chức này tại Vienna (Áo) vào ngày 22-23/6 tới để thảo luận về chương trình nêu trên. Theo ngân hàng đầu tư Jefferies của Mỹ, cuộc họp của OPEC sắp tới sẽ trở thành yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá dầu thô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục