Giá dầu châu Á khép lại chuỗi ba phiên tăng liên tiếp chiều 29/6

Đầu giờ chiều 29/6 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Tám giảm 0,8% xuống 117 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,6% xuống 111,14 USD/thùng.
Giá dầu châu Á khép lại chuỗi ba phiên tăng liên tiếp chiều 29/6 ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu thô của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Giá dầu châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 29/6 sau ba phiên tăng liên tiếp trước đó, trước áp lực từ những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu, nhưng nguồn cung thắt chặt đã hạn chế đà giảm của giá dầu.

Vào đầu giờ chiều 29/6 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Tám giảm 98 xu Mỹ, hay 0,8%, xuống 117 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 62 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 111,14 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này đã tăng hơn 2% trong phiên trước khi những lo ngại về nguồn cung thắt chặt do các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga đã lấn át những lo ngại rằng nhu cầu năng lượng có thể giảm xuống trong trường hợp xảy ra suy thoái kinh tế.

Ông Mike Tran, chuyên gia của công ty RBC Capital, cho rằng thị trường dầu đang trong tình trạng “giằng co” giữa bối cảnh kinh tế vĩ mô ngày một xấu đi, với khả năng xảy ra suy thoái kinh tế, và tình hình nguồn cung thắt chặt nhất trong hàng chục năm qua.

[Giá dầu thế giới tăng trong phiên 28/6 do lo ngại về nguồn cung]

Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) được xem là hai thành viên duy nhất của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có năng lực sản xuất dư thừa để bù đắp cho nguồn cung từ Nga.

Tuy nhiên, những bình luận trong tuần này của Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho thấy các nước này hầu như không có khả năng gia tăng sản lượng hơn nữa.

Ông Hiroyuki Kikukawa, chuyên gia phân tích của công ty Nissan Securities, dự đoán giá dầu có thể sẽ vẫn ở trên ngưỡng 110 USD/thùng, cũng là do những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung do các cơn bão vào mùa Hè tại Mỹ.

Ngoài ra, giới phân tích cũng cảnh báo rằng tình hình bất ổn chính trị ở Ecuador và Libya có thể làm nguồn cung thắt chặt hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục