Giá dầu chứng kiến tuần đi xuống thứ ba liên tiếp

Hòa chung với diễn biến èo uột của thị trường chứng khoán, thị trường năng lượng Mỹ cũng trải qua một tuần giao dịch đáng thất vọng.
Hòa chung với diễn biến èo uột của thị trường chứng khoán, thị trường năng lượng Mỹ cũng trải qua một tuần giao dịch đáng thất vọng, khi những lo ngại về nguồn cung có phần dịu xuống và sự mâu thuẫn trong Quốc hội Mỹ về vấn đề chi tiêu ngân sách vẫn chưa tìm được lối thoát.

Mở đầu tuần (phiên 23/9), giá hai loại dầu chủ chốt đồng loạt đi xuống, giữa lúc những quan ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung tại "chảo dầu" Trung Đông bắt đầu lắng xuống, sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẵn sàng thương lượng với Mỹ về chương trình hạt nhân của nước này.

Các chuyên gia đánh giá lợi ích về dầu mỏ đang là động lực lớn thúc đẩy Mỹ đối thoại với Tehran.

Nhiều người hy vọng nếu cuộc gặp sắp tới giữa những người đứng đầu hai quốc gia này được tổ chức, đây sẽ là những viên gạch đầu tiên của con đường bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ với Iran.

“Vàng đen” tiếp tục mất giá trong hai phiên giao dịch liền sau đó (24-25/9), đánh dấu chuỗi 5 ngày đi xuống liên tiếp, do khả năng Mỹ tiến hành tấn công quân sự nhằm vào Syria đang dần thu hẹp, trong khi việc thúc đẩy một giải pháp ngoại giao giữa phương Tây và Iran cũng đang được mở ra.

Ngoài ra, báo cáo mới nhất về dự trữ dầu thô của Mỹ cũng gây thất vọng cho các nhà đầu tư và tạo áp lực giảm đối với giá dầu.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 20/9 tăng 2,6 triệu thùng, ngược hẳn với dự báo của các chuyên gia phân tích là giảm 900.000 thùng.

Tuy nhiên, thông tin tích cực về thị trường việc làm của Mỹ đã giúp mặt hàng năng lượng chiến lược này lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch ngày 26/9, bất chấp việc Mỹ và Nga đồng thuận với bản dự thảo nghị quyết liên quan vấn đề phá hủy toàn bộ số vũ khí hóa học của Syria của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tuần kết thúc ngày 21/9, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm 5.000 xuống 305.000 đơn, cùng với dữ liệu về tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý Hai với tốc độ 2,5%, giúp cho giới đầu tư tin tưởng nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang mạnh lên.

Dù vậy, trong bối cảnh hai điểm nóng nhất tại “rốn dầu” Trung Đông đang dần được giải tỏa, căng thẳng về nguồn cung từ khu vực này đang có dấu hiệu suy giảm, trút bớt gánh nặng cho giới đầu tư, thì bản báo cáo của EIA về lượng dự trữ dầu thô tại nước này tuần qua tăng ngoài dự tính vẫn được xem là trở ngại lớn, khiến giá dầu thô khó có thể vượt lên.

Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, giá dầu thô kỳ hạn tại New York có khả năng còn trượt xuống ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng 102,20 USD mỗi thùng, hoặc sâu hơn nữa.

Không nằm ngoài suy đoán trên, giá dầu ngay lập tức đã quay đầu lùi về trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 27/9), sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu phá hủy các vũ khí hóa học của Syria.

Đây là nghị quyết đầu tiên được thông qua về cuộc xung đột Syria kể từ khi giao tranh nổ ra hồi tháng 3/2011 và là kết quả nhiều tuần ngoại giao căng thẳng giữa Nga và Mỹ sau vụ tấn công bằng khí độc ở Damascus khiến hàng trăm người thiệt mạng hồi tháng Tám vừa qua.

Cũng trong ngày cuối tuần, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có cuộc điện đàm lịch sử. Đây là lần liên lạc cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ năm 1979 và được cho là một dấu hiệu chứng tỏ hai bên đều nghiêm túc trong việc tìm kiếm một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran.

Bên cạnh đó, một nhân tố khác cũng góp phần khiến thị trường dầu mỏ giảm nhiệt trong phiên này, đó là việc một số cơ quan liên bang thuộc Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động do thiếu kinh phí.

Mặc dù vào ngày 27/9, Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua một dự luật ngân sách tạm thời trị giá 986 tỷ USD cấp kinh phí hoạt động cho Chính phủ đến ngày 15/11, song hiện không có gì đảm bảo là dự luật này sẽ được Hạ viện thông qua.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã cảnh báo trước Quốc hội rằng Mỹ có thể sẽ mất hết khả năng vay mượn tài chính vào khoảng thời gian trước ngày 17/10 tới, khi Mỹ sẽ chỉ còn khoảng 30 tỷ USD tiền trong ngân sách chính phủ.

Chốt phiên cuối tuần, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas giao tháng 11/2013 giảm 16 xu (0,2%), đứng ở mức 102,87 USD/thùng.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ 58 xu (0,5%), xuống 108,63 USD/thùng.

Như vậy, tính chung cả tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ kỳ hạn trên thị trường Mỹ đã mất 1,8%, đánh dấu tuần đi xuống thứ ba liên tiếp của mặt hàng này với mức giảm tổng cộng là 7%. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng hạ 0,5% trong tuần vừa qua./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục