Giá dầu mỏ thế giới sẽ tiếp tục biến động

Giá dầu thô đang rơi tự do kể từ khi chạm đỉnh 147 USD/thùng vào ngày 11/7. Việc giá dầu tăng chóng mặt từ mức 96 USD cuối năm 2007 lên tới mức đỉnh vào giữa tháng 7/2008 được cho là do các quan ngại về nguồn cung cả ngắn và trung hạn, vấn đề địa chính trị và năng lực khai thác suy yếu của các nước xuất khẩu dầu mỏ ngoài OPEC.

Giá dầu thô đang rơi tự do kể từ khi chạm đỉnh 147 USD/thùng vào ngày 11/7. Việc giá dầu tăng chóng mặt từ mức 96 USD cuối năm 2007 lên tới mức đỉnh vào giữa tháng 7/2008 được cho là do các quan ngại về nguồn cung cả ngắn và trung hạn, vấn đề địa chính trị và năng lực khai thác suy yếu của các nước xuất khẩu dầu mỏ ngoài OPEC.

Thị trường dầu hình như cũng đã phớt lờ các bằng chứng hiển hiện về sự suy yếu nhanh chóng của nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ. Giá dầu vào thời điểm lên cao còn do tình trạng đầu cơ, với việc coi dầu như là mặt hàng mà các quỹ đầu tư mạo hiểm trú ẩn trong lúc đồng USD mất giá và lạm phát lên cao. Thêm vào đó, giới đầu tư lúc đó cũng coi thị trường nguyên liệu là nơi lý tưởng để bảo toàn nguồn vốn khi thị trường cổ phiếu và trái phiếu suy yếu.

Tuy nhiên, việc đồng USD lên giá kể từ tháng 7 được coi như thời điểm đánh dấu sự đảo chiều của giá dầu, dù thị trường tài chính khủng hoảng cũng là một nhân tố khác khiến giá dầu suy giảm. Sang đến tháng 10 thì rõ ràng là cuộc khủng hoảng tài chính đã làm kinh tế toàn cầu chậm lại và tác động tiêu cực đến thị trường dầu mỏ.

Khi giá dầu còn lơ lửng ở mức 100 USD/thùng, OPEC đã nhóm họp với luận điểm cho rằng, nạn đầu cơ, căng thẳng địa chính trị và hiện tượng thắt cổ chai trong lọc dầu là những nguyên nhân đẩy giá dầu lên cao nửa đầu năm 2008, đồng thời cảnh báo nguồn cung dầu đã cao hơn nhu cầu.

Tại cuộc gặp hồi tháng 9, OPEC đã yêu cầu các nước thành viên cắt giảm 520.000 thùng dầu mỗi ngày để ngăn chặn đà mất giá của dầu. Nhưng động thái này đã không thể ngăn đà đi xuống của dầu. Ngày 24/10, OPEC tiếp tục tổ chức một cuộc họp khẩn để quyết định cắt giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng dầu ngày từ 1/11.

OPEC có kế hoạch triệu tập một cuộc họp nữa vào giữa tháng 12 tới và khả năng sẽ có quyết định cắt giảm thêm sản lượng. Tuy nhiên, dù OPEC có tiếp tục cắt giảm sản lượng thì thị trường dầu thế giới trong năm 2009 có thể vẫn sẽ tiếp tục thừa cung, vì nhu cầu giảm mạnh.

Trong quý II/2008, nhu cầu dầu thế giới đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng tại Mỹ giảm tới 6%. Nhu cầu dầu của EU và Nhật Bản cũng tiếp tục chiều hướng đi xuống trong dài hạn, của toàn khối OECD sẽ giảm 3% trong cả năm 2008, giảm tiếp thêm 2% trong năm 2009 và 1% trong năm 2010.

Trong các năm tiếp theo từ 2011-2013, dù kinh tế OECD đã tăng trưởng trở lại, nhưng nhu cầu dầu tăng không nhiều do việc sử dụng ethanol hay nhiên liệu sinh học trong ngành giao thông, nhất là tại khu vực tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới Bắc Mỹ.

Trong giai đoạn 2011-2012, nhu cầu dầu sẽ phục hồi tại các nước ngoài OECD, dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Trung Đông. Nhu cầu đặc biệt tăng mạnh tại Ấn Độ do sở hữu xe hơi tăng cao. Tổng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trung bình 2% trong 2011 và 2012, của các nước ngoài OECD là 3,8%.

Sản lượng của các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC vẫn khá yếu trong giai đoạn 2008-2010, trong khi sản lượng của Nga sẽ ổn định hơn trong 2 năm này. Thêm vào đó, năng lực khai thác của Mexico và Nauy sẽ giảm với tỉ lệ lớn hơn năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục