Giá dầu ngọt nhẹ giảm

Giá dầu ngọt nhẹ lại giảm vì nguồn cung nới lỏng

Chốt phiên 27/6, trên sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 8/2011 giảm 55 xu, xuống còn 90,61 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 27/6 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ tiếp tục giảm sâu, giữa lúc nguồn cung dầu đã được nới lỏng nhờ quyết định xuất kho dự trữ dầu chiến lược của IEA vào tháng Bảy tới, cũng như những lo ngại rằng nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp có thể đẩy nhu cầu năng lượng giảm xuống.

Chốt phiên này, trên sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu thô ngọt nhẹ, hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI), giao tháng 8/2011 giảm 55 xu, xuống còn 90,61 USD/thùng.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại tăng 88 xu, lên 105,99 USD/thùng, sau khi chứng kiến mức giảm tới khoảng 9 USD trong phiên giao dịch ngày 23 và 24/6.

Trong hai tuần qua, giá dầu thô ngọt nhẹ đã giảm khoảng 8%, và đặc biệt giảm mạnh vào tuần trước, khi IEA bất ngờ quyết định rút 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ để bù đắp sự sụt giảm sản lượng tại Libya và kiềm chế giá nhiên liệu tăng cao, trong đó một nửa sẽ được lấy từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ (SPR).

Tuy nhiên, chiến lược gia thuộc công ty Lind Waldock, Richard Ilczyszyn nói: "Vào thời điểm này, tôi không cho rằng thị trường dầu mỏ có thể xuống thấp hơn nữa vì vẫn đang trong mùa Hè, thời điểm nhu cầu tiêu thụ năng lượng thường tăng cao."

Trong khi đó, những thông tin mới đây cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang thắt chặt chi tiêu cũng "phủ bóng đen" lên thị trường hàng hóa Mỹ.

Báo cáo ngày 27/6 của Bộ Thương mại Mỹ cho hay chi tiêu tiêu dùng của người dân nước này trong tháng 5/2011 hầu như không biến chuyển so với tháng trước đó, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi chậm chạp, đồng thời cũng cho thấy tác động của việc giá xăng dầu tăng cao đối với các hộ gia đình Mỹ.

Chuyên gia về hàng hóa thuộc Công ty Phillip Futures, Ker Chung Yang cho rằng các nhà đầu tư vẫn lo ngại về những hậu quả tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Ông nhận định: "Giá dầu thô sẽ tiếp tục bất ổn, do mối quan tâm lớn hơn vẫn đang hướng về tình hình tại Hy Lạp và sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ."

Sang phiên giao dịch ngày 28/6, giá dầu tại thị trường châu Á cũng tiếp diễn đà đi xuống, do công nhân tại Hy Lạp đã tiến hành các cuộc đình công nhằm phản đối các biện pháp khắc khổ, dự kiến sẽ được các nhà lập pháp bỏ phiếu thông qua trong tuần này.

Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 8/2011 và giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lần lượt giảm 5 xu và 31 xu, xuống còn 90,56 USD/thùng và 105,68 USD/thùng.

Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp có thể tạo ra "hiệu ứng domino" đối với các nước châu Âu khác và có thể làm "rung chuyển" hệ thống tài chính toàn cầu.

Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp, George Papandreou đã kêu gọi Quốc hội thông qua các chính sách "thắt lưng buộc bụng" mới để nước này có thể thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên, nỗ lực này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Hy Lạp và cuộc đình công dự kiến kéo dài hai ngày của công nhân nước này đã làm tê liệt hoạt động giao thông và nhiều dịch vụ công cộng tại "xứ sở các vị thần"./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục